Những sai lầm về việc cúng Rằm tháng Giêng nhiều người mắc phải

Khánh An (T/h)|07/02/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng trong phong tục của người Việt Nam. Vì vậy, để nghi lễ cúng được diễn ra trọn vẹn, các gia đình nên lưu ý những điều dưới đây.

Rằm tháng Giêng (hay còn gọi Tết Nguyên tiêu) là ngày lễ lớn của người Việt Nam. Vào ngày này, người dân thường đi chùa, đồng thời làm lễ cúng Phật và gia tiên để cầu mong những điều tốt lành cho bản thân, gia đình.

Tầm quan trọng của ngày lễ rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu đã được ông cha ta đúc kết: “Đi lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Ngày nay, tất cả các gia đình Việt vẫn tiếp nối truyền thống, đến ngày Rằm tháng Giêng, ngoài làm lễ cúng tại nhà, hầu hết mọi người còn đi lễ chùa cầu an lành cho bản thân, gia đình.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều người dân không hiểu được ý nghĩa và giá trị thực sự của Tết Nguyên tiêu và để xảy ra những sai lầm đáng tiếc.

Rằm tháng Giêng (hay còn gọi Tết Nguyên tiêu) là ngày lễ lớn của người Việt Nam

Không lau dọn ban thờ

Dọn dẹp ban thờ là một trong những nghi lễ cần phải làm vào ngày Rằm tháng Giêng, được tiến hành trước khi chuẩn bị dâng lễ. Trong văn hóa tâm linh của người Việt, ban thờ là nơi linh thiêng, vì thế luôn cần được giữ sạch sẽ, gọn gàng để biểu thị lòng thành, sự tôn kính với thần linh và gia tiên.

Ban thờ gia tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát chính giữa là thờ quan thổ công, thổ thần, Táo quân… Hai bat hai bên thờ ông bà, tổ tiên của gia đình. Bát hương cần được đặt ở vị trí chắc chắn, không được để chỗ chông chênh vì có nguy cơ bị xê dịch.

Luôn nhớ rằng ban thờ là nơi tôn nghiêm và linh thiêng, vì thế khi lau dọn ban thờ, tuyệt đối không dùng dụng cụ bẩn. Trước khi lau dọn, nên chuẩn bị các đồ mới như chổi quét, khăn lau. Nước dùng để lau cũng cần phải sạch. Theo quan niệm dân gian, nếu dùng chổi, khăn lau dọn chung, vốn mang nhiều uế tạp, thì sẽ không đảm bảo sự tôn nghiêm nơi thờ cúng.

Chuẩn bị cỗ cúng không phù hợp điều kiện gia đình

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng được chuẩn bị sạch sẽ, bày biện gọn gàng, đơn giản hay cầu kỳ phụ thuộc vào điều kiện của gia đình. Điều quan trọng hơn cả là lòng thành khi chuẩn bị cũng như khi dâng cúng.

Mâm cỗ chay cúng Phật thường gồm các lễ vật như hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh không thêm nhiều hương liệu, đặc biệt có thêm bánh trôi nước với mong muốn mọi việc trong năm mới sẽ trôi chảy, thuận lợi.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên thường gồm các món ăn truyền thống, giống như món ăn ngày Tết Nguyên đán như bánh chưng, chả lụa, nem rán, thịt gà, món xào, canh măng. Ngoài ra còn có xôi gấc mang màu đỏ của sự may mắn.

Mâm cỗ cúng không nhất thiết phải cầu kì, mà cần chuẩn bị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình. Không phải cứ mâm cao cỗ đầy là tốt, mâm cỗ đơn giản là không tốt. Quan niệm như vậy là sai. Dù chuẩn bị mâm cỗ như nào, thì cũng cần bày biện gọn gàng và tiến hành nghi lễ với thái độ kính cẩn, thành tâm. Đó mới là điều quan trọng nhất. Nếu gia chủ bày biện cầu kì, không phù hợp tình hình tài chính của gia đình, sẽ dẫn tới tâm trạng không tốt, điều này ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa đẹp của việc cúng lễ.

Ăn mặc xuề xòa khi cúng lễ

Người thực hiện nghi thức cúng phải ăn mặc trang trọng, nghiêm túc khi đứng trước bàn thờ gia tiên. Tránh ăn mặc xuề xòa, lôi thôi khi cúng Rằm tháng Giêng bởi đó là biểu hiện của thái độ thiếu nghiêm túc, làm mất đi sự trang trọng của nghi thức cúng.

Cầu xin quá nhiều tài lộc

Điều quan trọng khi chuẩn bị lễ vật cúng Rằm tháng Giêng là thái độ kính cẩn, thành tâm của gia chủ. Ngoài ra, không nên cầu xin quá nhiều tài lộc, tham lam những điều quá xa xôi. Nếu cầu xin quá nhiều, sẽ làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của việc cúng Rằm tháng Giêng.

Khánh An (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những sai lầm về việc cúng Rằm tháng Giêng nhiều người mắc phải
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.