Rất nhiều trường hợp bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ Paraquat và không qua khỏi.
Paraquat là một loại thuốc diệt cỏ mà thành phần Paraquat trong đó cực kỳ độc, tỷ lệ tử vong 70-90%. Paraquat gây tử vong do suy đa tạng. Điểm đặc biệt của hóa chất này là rất có ái lực với phổi. Hóa chất này được lưu giữ trong phổi với nồng độ rất lớn gây tổn thương phổi, đặc biệt là làm xơ phổi, khiến bệnh nhân chết vì ngưng thở.
Ở liều độc mạnh, bệnh nhân tử vong vì ngộ độc cấp tính do suy đa tạng: gan, thận phổi, nhiều trường hợp tử vong chỉ vài giờ sau khi uống hóa chất này.
Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu với Paraquat trong khi hóa chất này quá độc hại, bởi vậy tỷ lệ tử vong còn rất cao. Tại nhiều nước, tử vong cũng lên đến 70% các ca ngộ độc Paraquat.
Nếu tính cả nước, thì mỗi năm có hơn 1.000 ca ngộ độc paraquat
Gần đây nhất là trường hợp của anh Nguyễn T.K. (24 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh), vào viện ngày 13/2 sau khi uống 1 ngụm thuốc trừ cỏ Paraquat. Dù hiện chưa thể tiên lượng được khả năng cứu sống song giống như các bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat nói chung, bệnh nhân K. vẫn tỉnh táo chứ không mê man như các loại ngộ độc khác.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V.V (35 tuổi, ở Bắc Giang), vào viện ngày 12/2. Trước đó bệnh nhân sau khi mâu thuẫn với vợ nên uống uống 1 ngụm thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử. Kết quả xét nghiệm trong máu bệnh nhân có nồng độ chất paraquat trong cao, hiện cũng chưa thể tiên lượng được gì.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu và điều trị cho 03 bệnh nhân. Trong đó, trường hợp lớn tuổi nhất là 71 tuổi uống một loại dung dịch có màu xanh nghi là thuốc bảo vệ thực vật Paraquat. Hiện các bệnh nhân đều đã tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng chưa nói trước được điều gì vì đây là một loại chất độc cực mạnh, không có thuốc, phương pháp điều trị, rất tốn kém…
Liên tiếp các trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ Paradat ở Hòa Bình vào năm 2015. Đầu tiên phải kể đến, ngày 25/2/2015, cháu Lý Hùng Kiệt ở xóm Ngù, xã Hiền Lương (Đà Bắc) khi đi làm về uống nhầm thuốc trừ sâu. Khi phát hiện ra cháu uống thuốc sâu, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và được các bác sĩ đã kịp thời cứu chữa.
Ngày 25/3/2015, Bùi Văn Tuấn 18 tuổi tại xóm Ngái, xã Yên Lập (Cao Phong) khi đi làm về khát nước uống nhầm thuốc diệt cỏ. Khi nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng suy đa tạng như loét miệng họng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nôn ra máu. Họng có màng giả, thủng thực quản gây viêm trung thất, tràn khí màng phổi, tiểu ít, khó thở, rối loạn nhịp tim… Theo thông tin người nhà cung cấp, khi đi làm về, Tuấn cầm chai nước giải khát uống. Trong chai nước có thuốc diệt cỏ pha để chuẩn bị sử dụng.
Không được may mắn như thế, cũng trong thời gian trên, bà con xóm Cài, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) đau lòng tiễn đưa chị Bùi Thị Quyết về nơi an nghỉ cuối cùng. Đau lòng hơn cả là người nhà của nạn nhân bởi chỉ vì mâu thuẫn gia đình, chị dọa sẽ uống thuốc diệt cỏ để chết. Khi ngậm được 2 nắp thuốc thì chị nhổ ra. Người nhà đưa chị đi bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, nhưng mọi việc đã quá muộn.
ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chia sẻ với báo chí, khoảng chục năm trở lại đây, tỷ lệ ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat rất nghiêm trọng. Năm 2014, riêng Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 300 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat; năm 2015 tiếp nhận 350 ca. Đến năm 2016 có tới hơn 450 ca vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc. Tuy nhiên, nếu tính cả nước, thì mỗi năm có hơn 1.000 ca ngộ độc paraquat.
Phạm Huyền