Những việc cần tránh khi dọn ban thờ, tỉa chân hương ngày ông Công ông Táo

Minh Hoa (t/h)|04/02/2021 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Do ngày ông Công ông Táo 2021 trùng với ngày Lập xuân nên các gia đình phải chú ý rút tỉa chân hương cẩn thận, lau dọn bàn thờ đúng cách, tránh xê dịch, đổ vỡ.

Các gia đình cần chú ý rút tỉa chân hương, lau dọn bàn thờ đúng cách.

Ngày ông Công ông Táo 2021 hiếm gặp khi ngày 23 tháng Chạp này cũng trùng với ngày Lập Xuân 4/2/2021.

Theo văn hóa Á Đông, vào ngày Lập Xuân – ngày đầu tiên của tiết Lập Xuân, mở đầu 24 tiết khí trong năm là ngày rất quan trọng. Vào ngày này, vạn vật tại nội gia phải an yên, con người tâm thái bình tĩnh, tích cực đón chào vận khí mới.

Nếu gia đình nào cúng ông Công ông Táo sớm vào các ngày 19, 20, 21, 22 tháng Chạp (ngày 22/12 âm lịch phải cúng sáng hoặc cúng chiều không cúng tối) thì nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh ngay sau khi cúng.

Nếu gia đình cúng ông Công ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp thì cúng xong để an yên, sang sáng ngày 24 hay 25 mới được rút tỉa chân nhang. Vì ngày 23 tháng Chạp trùng ngày 4/2 dương lịch – ngày Lập Xuân, không thể rút tỉa chân nhang được, sẽ gây bất ổn cho vận khí đầu năm mới.

Sau đây là những việc không nên làm khi tiến hành tỉa chân hương trong ngày cúng ông Công ông Táo:

Đặt bát hương chông chênh

Ban thờ gia tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát chính giữa là thờ quan thổ công, thổ thần, Táo quân… Hai bát hai bên thờ ông bà, tổ tiên của gia đình. Bát hương cần được đặt ở vị trí chắc chắn, không được để chỗ chông chênh vì có nguy cơ bị xê dịch.

Trong quá trình lau dọn ban thờ, rút tỉa chân nhang, hạn chế di chuyển mạnh bát hương. Quan niệm dân gian cho rằng đặt bát hương chông chênh thì bát hương sẽ bị động, hàm ý mọi thứ sẽ không được ổn định.

Dùng nước lạnh để rửa bài vị

Các nhà tâm linh khuyên chúng ta khi lau rửa bàn thờ thì nên dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh để lau rửa bài vị. Khi tiến hành nếu có bài bị thần Phật thì phải lau trước rồi đổ nước đi, thay nước ấm mới rồi mới để lau bài vị tổ tiên. Tuyệt đối không lau bài vị tổ tiên trước thần Phật, đây là điều bất kính, mạo phạm đến thần Phật (ở ngôi vị cao hơn tổ tiên).

Việc lau dọn bàn thờ vẫn luôn rất quan trọng nên không thể tùy tiện và vội vàng làm cho xong chuyện được. Khi thực hiện nên cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết cũng là cách để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Không được thả hương ở nơi dơ bẩn

Khi rút chân hương ra khỏi bát hương, gia chủ cần nhớ để lại 5 chân hương cũ trong bát hương. Những chân hương còn lại, đem đốt thành tro rồi thả dưới sông, ao hồ hoặc pha nước tưới cây. Tuyệt đối gia chủ không được thả ở những nơi dơ bẩn, ô uế.

Làm đổ vỡ đồ thờ cúng

Người Việt từ xưa vốn kiêng kỵ làm đổ vỡ đồ vật, vì đó là điềm báo điều xui xẻo sắp đến. Với đồ thờ cúng, cũng đại kỵ làm đổ vỡ. Đồ thờ cúng trên ban thờ thể hiện lòng thành của con cháu với người đã khuất và các vị thần linh. Vì thế nếu làm vỡ, người xưa quan niệm rằng đó là dấu hiệu tổ tiên không hài lòng điều gì đó hoặc điềm xấu sẽ tới.

Bỏ cát vào trong bát hương

Bát hương cần được bốc bằng tro sạch, đốt từ rơm nếp hoặc rơm tẻ sạch, lọc kỹ để bỏ đi những tạp chất, nhằm đảm bảo tính trang nghiêm và thanh tịnh. Gia chủ không nên bỏ cát vào trong bát hương. Quan niệm dân gian cho rằng việc làm này sẽ khiến cho gia đình lục đục, gặp những điều không may mắn trong năm đó.

Minh Hoa (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Những việc cần tránh khi dọn ban thờ, tỉa chân hương ngày ông Công ông Táo