(Moitruong.net.vn) -Đuối nước ở học sinh, sinh viên luôn là vấn đề “nóng” mỗi dịp hè. Theo các chuyên gia, đuối nước là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tai nạn thương tích cho trẻ em. Bởi vậy, việc đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn đuối nước là nhiệm vụ cần chú trọng, đặc biệt trong thời gian học sinh, sinh viên chuẩn bị nghỉ hè.
Trước mỗi dịp hè, nỗi lo về tai nạn đuối nước ở trẻ em lại tăng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tai nạn đuối nước luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với học sinh, sinh viên nên việc đẩy mạnh công tác phòng chống tai nạn đuối nước là nhiệm vụ cần chú trọng, đặc biệt trong thời gian học sinh, sinh viên chuẩn bị nghỉ hè.
Để chủ động đề phòng, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn tính mạng đối với học sinh, sinh viên trong dịp hè năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc tuân thủ các quy định về phòng chống tai nạn đuối nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước đối với học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể tại địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè. Chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt…, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh sinh viên.
Để góp phần ngăn chặn hiệu quả vấn nạn đuối nước ở trẻ em, tháng 4/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Việc này góp phần hỗ trợ trẻ em từ 6-15 tuổi được tiếp cận các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, được cấp cứu kịp thời khi bị đuối nước.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng tới mục tiêu đến năm 2020 trên 80% trẻ em từ 6 – 15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6 – 15 tuổi; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn…
Khoảng hơn 2 triệu trẻ em sẽ được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước
Trong dự thảo này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất hỗ trợ khoảng hơn 2 triệu trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, hàng năm sẽ có thêm 18.000 em có nhu cầu cần hỗ trợ. Chi phí trung bình cho mỗi trẻ là 500.000 đồng.
Theo đó, trong năm đầu tiên nhà nước sẽ hỗ trợ 10% trẻ em thuộc đối tượng trên, các năm tiếp theo tăng lên 20% trẻ em, như vậy đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 50% trẻ em thuộc đối tượng chính sách được hỗ trợ học bơi, học kỹ năng an toàn.
Dự thảo cũng đề cập đến nhóm chính sách hỗ trợ trẻ em thuộc các xã, huyện nghèo nhất trong cả nước, ước tính có khoảng 994.000 trẻ em thuộc lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở cần được hỗ trợ. Dự tính tổng chi phí hỗ trợ năm đầu tiên cho mỗi xã là 106 triệu đồng, sang các năm sau mỗi năm khoảng 37 triệu đồng.
Các chuyên gia cho rằng: Với sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng, địa phương cùng các giải pháp đồng bộ sẽ từng bước khắc phục, hạn chế tai nạn do đuối nước cho trẻ em. Thực tế cũng cho thấy: Tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước vẫn xảy ra một phần là do thiếu sự giám sát của gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống.
Vì vậy, bên cạnh giải pháp của các cơ quan chức năng thì cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo… cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ cách phòng ngừa, xử lý, nhận biết những nơi nguy hiểm để tránh…Có như vậy mới hạn chế được tối đa tai nạn thương tích cho trẻ, đảm bảo cho trẻ một mùa hè vui khỏe, lành mạnh và an toàn.
Yến Anh (T/h)