(Moitruong.net.vn) – Green Economy nghĩa là kinh tế xanh. Nền kinh tế xanh được tổ chức môi trường thế giới UNEP định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
Việt Nam cần phát triển nền “kinh tế xanh” trong thể kỷ 21
Gần 120 năm trước, Mác đã từng lên tiếng cảnh tỉnh với loài người rằng: “Nếu như nền văn minh phát triển một cách tự phát, không được hướng dẫn đúng đắn thì sẽ để lại phía sau nó cả một hoang mạc”… Từ cuối thế kỷ 20 đến hai thập niên đầu của thế kỷ 21 đã có nhiều thiên tai địch họa liên tiếp diễn ra trên phạm vi toàn thế giới và cả nước ta như: Động đất, núi lửa, bão lụt, lốc xoáy, vòi rồng và dịch bệnh quái ác. Đặc biệt là trong hơn 17 năm dầu thế kỷ XXI, lời tiên tri ấy đã có những dấu hiệu trở thành hiện thực…
Cho đến nay con người vẫn chưa thể hiểu một cách tường tận về trái đất – “Chiếc nôi” của mình. Nhân loại có thể bay vào vũ trụ để chinh phục mặt trăng, sao Hỏa, hoặc thái dương hệ, có thể lập các “làng không gian” khổng lồ ngoài trái đất để đưa người lên đó sinh sống, tìm hiểu… Thế nhưng tiến sâu vào lòng đất – nơi con người đã sinh sống trải qua hàng triệu năm để tìm hiểu cấu trúc của nó, thì mới chỉ đi dược chặng dường vài kilômét đã thấy vô vàn những khó khăn phức tạp và đầy bí hiểm.
Chưa hiểu hết những gì thuộc về trái đất, nhưng loài người đang tận dụng trái đất để khai thác một cách hết sức vô tội vạ. Người ta thi nhau đốt phá, khai hoang, đào bới, vắt kiệt những gì thuộc về nguồn lợi, tiềm năng kinh tế từ lòng đất. Những quốc gia giàu có là nơi hủy hoại môi trường sinh thái nhiều nhất. Những quốc gia khác nghèo hơn, cũng cố tìm mọi cách để khai thác nguồn lợi từ mặt đất đến lòng đất, nhằm để tồn tại và phát triển.
Đó chính là nghịch lý tất yếu giữa môi trường sống và nền văn minh của thế giới. Trước nguy cơ về sinh thái, môi trường, môi sinh ngày càng xấu đi trên hành tinh chúng ta, các nhà bảo vệ môi trường và tất cả nhân loại cần có ý thức về cuộc sống bền vững lâu dài của hành tinh chúng ta. Hãy đấu tranh, kêu gọi hãy cứu rừng, cứu biển, cứu lấy lá phổi của trái đất đang có nguy cơ bị nhiễm độc ngày càng nặng.
Hiện nay theo thống kê của nhiều nhà khoa học trên thế giới, thì ở các nước công nghiệp phát triển cứ bình quân mỗi người dân tiêu thụ hàng năm từ 6 – 7 tấn nhiên liệu qui chuẩn. Nếu cứ với mức này, khi số người trên hành tinh tăng lên khoảng 10 tỷ trong thế kỷ 21, thì xã hội “đại tiêu thụ” của chúng ta sẽ phá hủy toàn bộ môi trường trong sạch của trái đất.
Nước ta đang đổi mới từng ngày, đang tiến dần vào lộ trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH – HĐH) bằng những thành quả ngày càng thấy rõ. Tuy vậy điều cần phải được đặt ra chính là vấn đề giải quyết tốt mối quan hệ nghịch giữa phát triển và bảo vệ môi trường sống bền vững. Điều đáng quan ngại là làm sao khi bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước, chúng ta không lặp lại bài học đắt giá của các quốc gia công nghiệp đi trước. Chúng ta phải bảo vệ môi trường sống ngay từ đầu. Đó chính là cách phát triển kinh tế xanh, bền vững và đi đúng hướng, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá như thời gian vừa qua. Chúng ta phải xem việc bảo vệ môi trường sống như bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do của dân tộc.
Môi trường trong thế kỷ 21 mà Việt Nam cũng như nhân loại đang hướng tới phải là một môi trường xanh – sạch và bền vững. Bởi vì đó chính là điều kiện tốt nhất để con người tồn tại và phát triển. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sống, đây là một bài toán cực khó đang dành cho tất cả mọi người đang sống trên trái đất cùng chung sức tìm ra lời giải.
Nguyễn Tuấn