Moitruong.net.vn – Tháng 11 này, chắc chắn trong lòng mỗi người đều nôn nao ba tiếng Ngày thầy cô. Đây là dịp để cho các cựu môn sinh nghĩ về thầy cũ, trường xưa. Nơi đó, vẫn còn chất chứa biết bao kỷ niệm vui buồn.

Làm thầy, từ xa xưa đã được coi trọng là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Bởi, “Không thầy đố mày làm nên” và “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Một phần vì trong văn hóa người Á Đông, đi học xưa kia vốn được xem là một nghề. Nhưng cũng không thể phủ nhận sự coi trọng với người dạy chữ. Đó có thể chỉ là thầy đồ, thầy khóa sống chốn thôn quê hay thầy dạy nổi tiếng nơi kinh kì. Nhờ có thầy, lịch sử đã ghi danh bao bậc danh nhân, tiến sĩ. Vậy nên mới có câu “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Chữ “yêu” được hiểu là sự coi trọng, quan tâm thầy cô của người làm cha mẹ.

Đất nước ta từ xưa đến nay không thiếu những người thầy có tâm, đức sáng trong, những người thầy uyên thâm về trí tuệ và có uy tín trước mọi người, trước dân tộc. Kể cả trong chế độ phong kiến, thuộc địa nửa phong kiến và khi đất nước được sang trang xây dựng nhà nước mới thì vai trò người thầy luôn được khẳng định.

Thời xưa, người thầy đứng ở vị trí thứ 2 trong lòng xã hội (Quân- Sư- Phụ). Chính sự đề cao người thầy mà đất nước có những người thầy mẫu mực như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… nên chế độ phong kiến xưa đã đào tạo ra hàng trăm trạng nguyên, tiến sĩ lưu danh với hậu thế đến tận bây giờ.

Đặc biệt, có những người thầy như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám dâng sớ đề nghị vua chém những kẻ nịnh thần trong triều nhằm mong muốn được yên dân, xã tắc được vững bền.

Khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, hình ảnh người thầy đã tận tụy, dấn thân với tình yêu tổ quốc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…

Ngày 20/11 hàng năm là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân của mình đến với các thầy cô giáo.

Những thầy giáo chân chính, nặng lòng với non sông, đất nước đã làm đẹp thêm hình ảnh người thầy trong lòng xã hội khi biết khích lệ các thế hệ học trò của mình dám xả thân vì tổ quốc, làm thay đổi diện mạo đất nước.

Thời đại Hồ Chí Minh, hàng loạt những nhà giáo chân chính, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ để đứng về phía cách mạng và dựng xây nền giáo dục nước nhà buổi ban đầu, đó là các nhà giáo tiêu biểu như Trần Văn Giàu, Phạm Thiều, Dương Quảng Hàm, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu…

Chính những người thầy nặng lòng vì giáo dục nước nhà đã tạo nên nền tảng giáo dục vững chắc cho đất nước. Ngày nay, đất nước đã có nhiều thay đổi, đội ngũ giáo viên ngày càng đông đảo và được đào tạo bài bản, chính quy, điều kiện công tác cũng đủ đầy hơn. Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở tất cả mọi vùng miền trong cả nước. Mạng lưới giáo dục đã được phủ khắp từ thị thành đến các vùng núi, hải đảo xa xôi.

Người thầy vẫn luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng có lẽ không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi lẽ, dù là xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm can mỗi học trò.

Dù các phương tiện trong quá trình giáo dục có hiện đại, tối tân đến đâu cũng chỉ là phương tiện mang tính hỗ trợ cho bài giảng của thầy còn vai trò quan trọng vẫn là người thầy trên bục giảng, là phấn trắng, bảng đen. Thầy là người truyền lửa ham học cho học trò, khơi lên trong các em những ước mơ, hoài bão để thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai. Thầy là người định hướng tri thức để học trò khám phá, tìm tòi tri thức.

Hoàng Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ơn nghĩa người thầy!