Ðột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Minh Châu|30/12/2020 06:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, trong đó ưu tiên phát triển vận tải công cộng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng, phương tiện, người lái xe, hoạt động vận tải và giám sát, xử lý vi phạm; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch, công khai, bình đẳng trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đường bộ.

Ảnh minh họa

Kết cấu hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế. Ngành đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.074km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Cụ thể, khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến cao tốc hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng – Hạ Long – Vân Ðồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nối Ðông Nam Bộ và phía Bắc; TP Hồ Chí Minh – Trung Lương nối với các tỉnh ÐBSCL. Hiện đang triển khai 2 tuyến Bến Lức – Long Thành; Trung Lương – Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Ðà Nẵng – Quảng Ngãi; Liên Khương – Ðà Lạt. Tuyến quốc lộ 1 “xương sống” của đất nước cũng được nâng cấp, mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Ðông Nam Bộ đã được mở rộng. Cùng với đó, nhiều quốc lộ trọng yếu được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn. Rất nhiều công trình cầu, hầm cấp đặc biệt, cấp I đã được xây dựng, như hầm Ðèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2; các cầu Nhật Tân, Bến Thủy 2, Vàm Cống, Ðồng Nai…

Hệ thống kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không cũng được chú trọng đầu tư đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Ðiển hình, các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng; xây dựng mới các sân bay gồm: Phú Quốc, Vân Ðồn.

Riêng trong năm 2020, Bộ GTVT kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Ðặc biệt, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Ðông, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công gồm: Mai Sơn – quốc lộ 45; Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị: Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ GTVT tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành GTVT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT. Bên cạnh đó, là khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch ngành GTVT. Trên cơ sở quy hoạch, chủ động phối hợp với các bộ, các địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để huy động nguồn vốn phù hợp với từng dự án cụ thể, tiến độ thực hiện. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đồng hành, hỗ trợ cùng ngành GTVT tiếp tục xử lý triệt để vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng như các vấn đề liên quan để triển khai các dự án thuận lợi, kịp tiến độ…

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông