Phát triển điện gió tại Việt Nam (Bài 2): Những thách thức kìm hãm sự bứt phá

Hải Châu|07/10/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chậm. Còn nhiều thách thức nổi cộm liên quan đến hợp đồng mua bán điện, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, vấn đề hạ tầng cũng như việc gắn kết giữa các bên liên quan là những yếu tố cản trở ngành điện gió Việt Nam bứt phá.

Với bờ biển dài hơn 3.000 km và diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2 cùng nhiều hải đảo, vận tốc gió trên bờ hơn 5m/s, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió. Việc phát triển điện gió ngoài khơi còn là nguồn hỗ trợ lớn cho bảo vệ biển đảo.

Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đạt công suất điện gió 800 MW năm 2020 và đạt 6 GW vào năm 2030. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng tốt với tốc độ gió quanh mức 6,5 – 7,5 m/s với chiều cao tuabin khoảng 120m là đã có thể đưa vào hoạt động.

Còn nhiều thách thức trong phát triển điện gió

Hiện nay, một số công nghệ điện gió tiên tiến đã được áp dụng, cơ chế giá FIT (giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho điện gió cũng tăng lên 8,5 cent/kWh trên bờ và 9,8 cent/kWh cho dự án ngoài khơi.

Cùng với đó, những quan ngại thách thức về tính khả thi của quy hoạch điện gió được phân tích như sau:

Thứ nhất: Với tác động của dịch Covid-19, công tác triển khai xây dựng các nguồn điện gió gặp những khó khăn lớn về nhập khẩu thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài để phối hợp kỹ thuật, giám sát công trình. Tác động của dịch bệnh còn kéo dài, vì vậy sẽ có nhiều dự án không vào kịp tiến độ quy định trong cơ chế FIT nêu trên.

Thứ hai: Hiện nay chưa hoàn thành để ban hành cơ chế đấu thầu các dự án điện gió sau cơ chế khuyến khích FIT. Các nhà đầu tư, mà chủ yếu là khối tư nhân sẽ phải trông chờ chính sách, sẽ mất nhiều cơ hội để huy động vốn xã hội.

Thứ ba: Khối lượng lưới cần xây dựng để tích hợp các nguồn này sẽ rất lớn, do đặc điểm nguồn điện gió tập trung ở các vùng mật độ dân thưa, phát triển công nghiệp chậm hơn, có nhu cầu điện thấp, dẫn đến hầu như phải truyền tải năng lượng từ những vùng này đến các trung tâm phụ tải lớn. Dòng công suất truyền tải lớn nhất được dự kiến là từ vùng Nam Trung bộ đến Nam bộ.

Mặt khác, cơ chế phí truyền tải hiện nay chỉ áp dụng cho lưới truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, với số giờ vận hành cao, sản lượng lớn. Với lưới truyền tải để giải phóng các nguồn điện gió, điện mặt trời có số giờ vận hành thấp, sản lượng nhỏ, nếu không có cơ chế đặc thù, các cơ quan truyền tải điện làm sao có thể huy động, vay vốn đầu tư?

Thứ tư: Với dự kiến sẽ đầu tư các động cơ ICE (động cơ đốt trong), thủy điện tích năng và pin tích năng để dự phòng linh hoạt cho nguồn điện năng lượng tái tạo với tỷ lệ cao, nhưng hiện chưa có các cơ chế chi phí – giá cho các loại hình quan trọng này, vậy làm sao để có thể huy động các nguồn lực chuẩn bị đầu tư?

Cuối cùng, nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha (1,4 ha/MW), nếu điện gió ngoài khơi là 18 – 20 ha/MW, vấn đề mất đất trồng trọt và sinh kế của người dân sẽ còn là bài toán nan giải.

Hải Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện gió tại Việt Nam (Bài 2): Những thách thức kìm hãm sự bứt phá