Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ biển, hải đảo

An An|26/08/2017 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhằm duy trì phát triển kinh tế bền vững

(Moitruong.net.vn) – Kinh tế biển có vai trò quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế cả nước. Song vấn đề bảo vệ môi trường biển cũng chính là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Với một vùng biển rộng lớn và giàu tài nguyên, lại có dân cư tập trung đông đúc khu vực ven biển, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nền kinh tế biển. Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây, kinh tế biển của nước ta đã có mức tăng trưởng khá trên hầu hết mọi lĩnh vực. Ngoài các ngành kinh tế biển truyền thống như thủy sản, hàng hải, du lịch, điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, diêm nghiệp,… thì cơ cấu ngành, nghề cũng thay đổi cùng với sự xuất hiện ngành/lĩnh vực kinh tế mới. Đáng kể là các lĩnh vực, như: khai thác dầu khí, kinh tế đảo, kinh tế ven biển, kinh tế bảo tồn, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn, quản lý nhà nước về biển, lĩnh vực đối ngoại và biên giới lãnh thổ trên biển; chế biến dầu khí, chế biến thủy sản,…

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế biển Việt Nam không phải không có những trở ngại. Thực tế những năm qua cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế vùng ven biển, những vụ việc vi phạm về môi trường và làm suy thoái hệ sinh thái biển xảy ra nhiều hơn, mức độ vi phạm ngày một lớn, quy mô tác hại có xu hướng tăng dần, nhất là chung quanh các khu công nghiệp, các dự án lớn vùng cửa sông, ven biển. Có những cơ sở công nghiệp, hoặc đô thị dọc ven biển có các việc làm tác động xấu với môi trường biển lân cận hoặc các cửa sông, trong đó có vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra tại vùng biển bốn tỉnh miền Trung.

Chính việc này đã để lại những hậu quả cho một số ngành kinh tế biển quan trọng, ưu tiên và có tính công nghiệp cao, giá trị sản phẩm làm ra hàng năm lớn, gây hệ lụy cho phát triển kinh tế biển. Hơn nữa, những tác động xấu tới môi trường biển còn gây ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của người dân vùng ven biển, hải đảo.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu cũng góp phần làm cho sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam gặp khó khăn. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp. Ngành du lịch biển vẫn thiếu những sản phẩm dịch vụ biển – đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao so với khu vực và quốc tế và chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật trong nghề cá biển chậm được đổi mới, ứng dụng cũng làm cho kinh tế biển gặp trở ngại.

Để vượt qua khó khăn và yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cần có những đề án mạnh mẽ và khả thi nhằm cơ cấu lại cũng như có lộ trình cụ thể để hình thành mô hình tăng trưởng mới, như Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ, từ đó làm cho ngành thủy sản nước ta thật sự có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cũng cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhằm duy trì phát triển kinh tế bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

An An


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ biển, hải đảo