Trong bối cảnh đại dịch càng mô tả rõ nét tốc độ bùng nổ dân số và lượng người nhập cư đổ về thủ đô quá lớn khiến hệ thống giao thông, y tế và các dịch vụ công ích của Manila bị quá tải như thế nào, Chính phủ Philippines đang cố gắng hết sức để đảo ngược xu hướng dịch chuyển lao động vốn đã được duy trì suốt nhiều năm nay.
Theo Bloomberg, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ triển khai chương trình chi tiền mặt và hàng hóa để thúc đẩy cư dân thành thị rời khỏi thủ đô. Chương trình Back to the Province là một trong những nỗ lực quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ nhằm lôi kéo người Philippines quay về vùng nông thôn.
Đường phố thủ đô Manila thường kẹt cứng vào giờ cao điểm – Ảnh: Bloomberg
Theo chương trình, các gia đình được phê duyệt có thể nhận được số tiền và hàng hóa trị giá lên đến 110.000 peso (2.173 USD). Khoảng 60.000 gia đình đã đăng ký chương trình từ giữa tháng 5.
Thách thức lớn nhất sẽ tìm việc làm tại vùng quê, và chương trình có nguy cơ trở thành một giải pháp tạm thời đối với nhiều người đến khi kinh tế hồi phục.
“Trừ khi và cho đến khi người ta thấy được sự phát triển đồng đều giữa khu vực”, sẽ khó để khuyến khích họ đi về các nông thôn, theo nghiên cứu của Viện Dân số thuộc Đại học Philippines ở Manila. “Và khi người nhập cư thực sự trở về, chúng ta cần cho họ đủ lý do để họ ở đó mãi mãi”.
Hơn 2 triệu người đã mất việc tại Philippines tính đến 24/4 và một phần ba trong số đó ở Manila, theo Bộ Lao động. Vùng đô thị thủ đô có khoảng 13 triệu dân, và chiếm khoảng hai phần ba số ca nhiễm virus corona ở Philippines.
Theo Bloomberg, Philippines không phải là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với tình trạng đô thị hóa quá mức.
Với việc thủ đô Jakarta thường xuyên kẹt xe nặng cũng như đang chìm dần xuống dưới mực nước biển, Indonesia đang tính đến việc xây dựng thủ đô mới. Trước đó, Malaysia và Myanmar đều đã dời đô đến những thành phố mới xây dựng, một phần để giảm áp lực cho Kuala Lumpur và Yangon.
Hồng Anh (t/h)