Phú Thọ: Bé 14 tháng nhiễm độc chì nghiêm trọng do dùng thuốc cam

Mai Anh (t/h)|07/11/2019 14:41
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàm lượng chì trong máu trẻ tăng gấp 13 lần do thuốc cam bôi chữa loét miệng. Bệnh nhi được xếp vào tình trạng nhiễm độc chì nghiêm trọng.

Chiều 6/11, thông tin từ Trung tâm Sản Nhi (Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp bị suy gan cấp do ngộ độc thuốc nam và ngộ độc chì trong thuốc cam ở mức nghiêm trọng.

Trước đó bé ho, khò khè, sốt cao, nhiệt miệng. Người nhà cho bé uống thuốc nam và bôi thuốc cam vào miệng để chữa.

Thuốc cam là tên gọi dân dã của một bài thuốc dân gian chứa các loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường cho trẻ nhỏ dùng để trị nóng, lở loét lưỡi, chống táo bón và tăng cường sức khỏe. Bài thuốc này thường được bào chế thành dạng bột màu cam, đỏ nên dân gian gọi chung là thuốc cam.

Mẫu thuốc cam bố mẹ bệnh nhi dùng để bôi vào miệng cho trẻ. Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, sau 2 ngày sử dụng, bệnh nhi có dấu hiệu gia tăng mệt mỏi, sốt cao liên tục, da vàng, bú kém, tiếp tục ho, khò khè nhiều. Lúc này gia đình đưa bé đến khám tại Trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán suy gan cấp, nên lập tức chuyển bé xuống Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.

Các xét nghiệm sau đó xác định bệnh nhi bị rối loạn đông máu, men gan tăng cao, chỉ số bilirubin tăng và thiếu máu nghiêm trọng do ngộ độc thuốc nam.

Ngoài ra, trên ảnh chụp X-quang gói thuốc cam có hình ảnh cản quang của kim loại nghi là chì. Các bác sĩ đã tiến hành định lượng hàm lượng chì trong máu của bệnh nhi. Kết quả cho thấy hàm lượng chì trong máu của trẻ là 129,8 µg/dl, cao gấp 13 lần so với bình thường, bệnh nhi nhiễm độc chì nghiêm trọng, bệnh viện thông tin hôm 6/11.

Theo ThS.BS Cao Việt Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Trung tâm Sản Nhi), trẻ em bị ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mãn tính bởi việc điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại di chứng rất nặng nề.

Khi xảy ra tình trạng ngộ độc, chì không chỉ nhiễm vào máu mà còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và khiến trẻ chậm phát triển về trí tuệ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thói quen sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam để điều trị bệnh. Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được chất lượng có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề đáng tiếc cho sức khỏe của trẻ.

Do đó, các bác sỹ khuyến cáo, bố mẹ tuyệt đối không nên tùy tiện cho con sử dụng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc để chữa bệnh cho con tại nhà. Tốt nhất nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Mai Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Phú Thọ: Bé 14 tháng nhiễm độc chì nghiêm trọng do dùng thuốc cam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.