– Mới đây, trong cuộc gặp mặt báo chí về nhiệm vụ trọng tâm quý IV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị đề nghị các tỉnh, thành phố, quận, thị tổ chức thanh tra và xử lí nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Để có hình dung cụ thể hơn về hoạt động này ở tại địa phương, phóng viên của Tạp chí Môi trường và cuộc sống có cuộc trao đổi với ông Hà Ngọc Tưởng- Trạm trưởng Trạm Thú y TX.Phú Thọ.
MT&CS: Thưa ông, chúng ta hàng ngày được nghe cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tuy nhiên nhiều bà con còn chưa nắm được chất cấm gồm loại nào, tác hại ra sao. Vậy, để bà con hiểu rõ hơn, xin ông cho biết chất cấm trong chăn nuôi gồm những loại nào và nó có tác hại gì đối với người sử dụng ?
Ông Hà Ngọc Tưởng: Chất cấm bao gồm: Chất tạo nạc như Salbutmol, Clenbuterol, Ractopamin..), chất tạo màu Vàng O (Vat yeallew 1, Vat yeallew 2, Vat yeallew 3, Vat yeallew 4 và Aurmine..) và các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo quy định của Nhà nước.
+Salbutamol và clenbuterol là những chất thải độc hại đã bị Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị không sử dụng trong chăn nuôi từ lâu. Các nhà khoa học cảnh báo tư lượng chất này tồn đọng trong thịt vật nuôi sẽ gây những nguy hại khôn lường cho người sử dụng. Ngoài ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ gây nguy hại khôn lường cho người sử dụng. Ngoài ngộ độc cấp tính, các chất này sẽ làm rối loạn chức năng tim và phổi, khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, phù nề, liệt cơ, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và thậm chí có thể tử vong.
MT&CS: Trên phạm vi cả nước, qua thanh tra, kiểm tra ngành chức năng đã phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bơm nước, hóa chất độc hại vào thịt gia súc, gia cầm. Vậy diễn biến tình hình trên địa bàn TX.Phú Thọ như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Ngọc Tưởng: Tính đến tháng 9/2016: Trạm thú y TX Phú Thọ đã phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh; Chi cục Quản lý chất lượng vật tư Nông lâm, thủy sản tỉnh; Phòng kiểm dịch động vật – Chi cục Thú y tỉnh tổ chức tổ chức 03 đợt kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm (như: Mẫu thức ăn chăn nuôi, mẫu nước tiểu đối với gia súc đang trong giai đoạn xuất bán, mẫu thịt đang trong quá trình lưu thông), các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
MT&CS: Thời gian tới ngành Thú y có kế hoạch như thế nào để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ?
Ông Hà Ngọc Tưởng:
Ngay từ đầu năm 2016, chúng tôi đã tham mưu cho UBND Thị xã ra văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường trên địa bàn tăng cường kiểm tra việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi; phối hợp với các Ban ngành liên quan triển khai các hộ dân ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ; kể cả các hộ kinh doanh động vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi gia súc trên địa bàn thị xã. Đồng thời phối kết hợp với các viện nghiên cứu, tìm ra các loại thuốc khác không độc hại thay thế các chất cấm, chất tạo nạc đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi để tăng thêm lợi nhuận cho họ, giảm giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh trên thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Việc quản lí chất cấm trong chăn nuôi ở các huyện, thị còn gặp nhiều khó khăn.
MT&CS: Trong quá trình kiểm tra xử lí các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm còn gặp những khó khăn gì?
Ông Hà Ngọc Tưởng:
Quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành của Thị xã gặp không ít khó khăn do một số cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi không hợp tác. Các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường rất đa dạng, phong phú về chủng loại nhưng đoàn mới chỉ kiểm tra được một ít sản phẩm nên chưa thể có kết luận toàn diện.
Qua thực tế các cuộc kiểm tra thời gian qua, việc xét nghiệm nhanh mẫu nước tiểu lợn mới xác định dấu hiệu, kết luận chính xác hơn lợn nhiễm chất cấm hay không cần phải gửi mẫu đến đơn vị có thẩm quyền và phải mất 15 đến 20 ngày mới có kết quả chính thức. Đây là một trong những trở ngại lớn, bởi trong thời gian này, chính quyền địa phương không thể túc trực 24/24h để giám sát, không cho phép các hộ chăn nuôi bán vật nuôi. Vì vậy, nếu hộ chăn nuôi cố tình có thể vẫn bán tháo vật nuôi ra thị trường.
MT&CS: Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Mai