Quảng Bình (Bài 1): Bất cập trong việc vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ ở nông thôn

Ngọc Trâm – Minh Tâm|16/03/2022 04:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Quảng Bình là tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, do đặc thù về vị trí địa lý cũng như khí hậu thời tiết nên hàng năm địa phương này phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai khắc nghiệt và bất thường như lũ lụt, hạn hán dẫn đến nhiều hệ lụy về tình trạng thiếu nước sạch cho người dân. Ở nhiều địa phương, chính quyền cùng nhân dân đã tiến hành xây dựng một số trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn, song qua quá trình hoạt động, những trạm cấp nước này đã bộc lộ nhiều bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước đang sử dụng. Đây là bài toán cần có lời giải đối với các cấp, các ngành và các địa phương.

VIDEO: Quảng Bình: Bất cập trong việc vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ ở nông thôn

Không có kế hoạch cấp nước an toàn

Theo báo cáo của Sở NN&PT nông thôn tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Quảng Bình có 117 công trình cấp nước nông thôn tập trung trong đó có: 33 công trình bền vững, 27 công trình tương đối bền vững, 27 công trình kém hiệu quả và 30 công trình không hoat động. Dự kiến giai đọan 2021 – 2025 sẽ triển khai phê duyệt, lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn cho số công trình bền vững và tương đối bền vững để đảm bảo mục tiêu kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn.

Đa số các trạm cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ ở Quảng Bình đều chưa thực hiện xây dựng đề án cấp nước an toàn.

Để đảm bảo đúng tiến độ và thực hiện triển khai các nội dung bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2025, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành văn bản số 881/UBND-KT ngày 31/5/2021 yêu cầu các đơn vị quản lý công trình cấp nước nông thôn khẩn trương lập kế hoạch cấp nước an toàn cho công trình do đơn vị quản lý. Văn bản nêu rõ: “Đến ngày 30/6/2021, đơn vị quản lý công trình Cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch, công trình cấp nước sinh hoạt cho 5 xã Vạn Ninh, An Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Khu công nghiệp Áng Sơn huyện Quảng Ninh. Các đơn vị quản lý hệ thống cấp nước thuộc địa bàn các xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy); xã Võ Ninh (Quảng Ninh); Bắc Trạch, Hạ Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch); xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), phường Quảng Phúc (Thị xã Ba Đồn) phải hoàn thành lập kế hoạch cấp ước an toàn và triển khai thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt”.

Mặc dù, văn bản của UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo rõ, đồng thời Sở NN&PTNT Quảng Bình cũng đã đốc thúc, nhưng các địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc lập kế hoạch cấp nước an toàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện vận hành theo đúng quy định. Đến đầu năm 2022, khi phóng viên chúng tôi đến làm việc tại các xã, phường nói trên thì đều chưa được UBND tỉnh phê duyệt về kế hoạch cấp nước an toàn của những công trình cấp nước mà các đơn vị đang quản lý vận hành.

Các trạm cấp nước đều không thực hiện việc kiểm tra chất lượng nước cũng như đồng hồ định kỳ.

Liên quan đến vấn đề hồ sơ cấp nước an toàn của Trạm cấp nước do địa phương mình quản lý, ông Nguyễn Văn Hoàng – Chủ tịch UBND xã Phong Thủy cho biết “Hiện tại xã Phong Thủy đang có 2 trạm cấp nước đặt ở thôn Thượng Phong và thôn Đại Phong, xã đang giao cho HTX kinh doanh Thượng Phong và tổ quản lý thôn Đại Phong vận hành. Việc lập hồ sơ cấp nước an toàn đến thời điểm hiện nay địa phương chưa lập, đây là thiếu sót của chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ cho rà soát và thực hiện theo đúng quy định”.

Về việc huyện Lệ Thủy đa số các đơn vị chưa lập hồ sơ cấp nước an toàn theo quy định, trao đổi với PV Moitruong.net.vn ông Nguyễn Hữu Hán – Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Đây là thiếu sót của chính quyền cơ sở cũng như bộ phận chuyên môn trong việc đôn đốc giám sát thực hiện các văn bản quy định của cấp trên. Chúng tôi sẽ cho anh em đốc thúc ngay việc này, để khẩn trương hoàn thành việc lập đề án cấp nước an toàn gửi về Sở NN&PTNT thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”

Nỗi lo chất lượng nước cấp cho dân

Nhìn chung hiện trạng các trạm cấp nước khu vực nông thôn ở địa bàn tỉnh Quảng Bình đều thuộc diện nhỏ lẻ, đầu tư nhiều năm nên công nghệ đã trở nên lạc hậu. Một số công trình lấy nước đầu vào là nước mặt như sông Kiến Giang (Lệ Thủy), còn đa số là sử dụng từ giếng khoan nước ngầm. Những công trình này, hiện giao cho UBND xã quản lý nhưng phía UBND xã lại tiếp tục giao lại cho các tổ đội, HTX, thôn xóm tiếp nhận vận hành. Điều đó đã gây ra rất nhiều bất cập trong việc vận hành và cấp nước an toàn cho người dân khi chưa thể xử lý được hết các vấn đề về nước.

Để thực hiện đề tài này, PV chúng tôi đã đi thực tế các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các địa phương: Phong Thủy, Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy); xã Võ Ninh (Quảng Ninh); Bắc Trạch, Hạ Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch); xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), phường Quảng Phúc (Thị xã Ba Đồn); đồng thời có buổi làm việc với chính quyền địa các địa phương và những người vận hành liên quan. Qua thực tế cho thấy đại đa số các trạm cấp nước nhỏ lẻ này đều không thực hiện đúng theo các quy định về vận hành cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Mặc dù, được giao quản lý song UBND các xã lại tiếp tục giao về cho các HTX, tổ đội, thôn xóm vận hành và gần như không có sự giám sát cụ thể nào. Không có hồ sơ theo dõi, không có hợp đồng cụ thể giữa UBND xã và các đơn vị, tổ đội được giao vận hành; không có sổ sách kế toán theo dõi khấu hao tài sản nhà nước, không có sổ theo dõi hóa chất, chất trợ lắng trong xử lý nước…. Những người được giao vận hành trạm cấp nước đa số đều là lao động phổ thông, không có năng lực chuyên môn, làm việc thủ công, thụ động.

Theo quy định tại Thông tư 41/2018 của Bộ Y tế quy định quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có nêu rõ: “Tần suất thử nghiệm định kỳ đối với chất lượng nước sạch nhóm A không ít hơn 01 lần/1 tháng; chất lượng nước sạch nhóm B không ít hơn 1 lần/6 tháng”. Tuy nhiên, tất cả các trạm cấp nước nói trên đều không thực hiện việc thử nghiệm định kỳ chất lượng nước theo quy định trên, nhưng nước sinh hoạt vẫn được cung cấp cho người dân mà không thể biết được các chỉ số có nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định hay không?

Về việc kiểm tra định kỳ đồng hồ nước 5 năm/lần đều không được thực hiện theo đúng quy định. Việc xử lý sự cố, khôi phục cấp nước, quản lý vận hành khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung không đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp lúng túng, không có một quy trình cụ thể nào.

Ông Dương Công Nhân – Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết “Nói thật chúng tôi cũng rất lo lắng về an toàn nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Trạm cấp nước Lộc Thủy được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2012, tuy nhiên với công suất 500m3/ngày đêm thực sự không đáp ứng được với nhu cầu sử dụng của bà con. Cán bộ công chức xã vừa mỏng vừa thiếu nên không thể thực hiện vận hành trạm cấp nước, v,ì vậy, chúng tôi phải giao lại cho tổ hợp tác vận hành. Tổ hợp tác vận hành thì trình độ chuyên môn không có, năng lực quản lý cũng không, nên không thể đúng quy trình được. Còn về chất lượng nguồn nước rất đáng lo ngại, vì trạm cấp nước lấy nguồn đầu vào là nước mặt từ sông Kiến Giang, thực tế cho thấy dư  lượng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng theo nước mưa, nước mặt chảy về sông Kiến Giang là khá lớn. Khi lấy nguồn nước này làm nước đầu vào để làm nước sinh hoạt mà không được xử lý đúng quy trình thì thật sự đáng lo ngại. Hiện tại về năng lực tài chính, ngân sách địa phương rất hạn hẹp, nguồn thu từ dịch vụ nước cũng không nhiều, cho nên để xã tiến hành tái đầu tư nâng cấp hệ thống trạm cấp nước là hết sức khó khăn. Vì vậy, đây đang là một bài toán đau đầu cần phải dần dần tìm cách tháo gỡ”

Có mặt tại trạm cấp nước Trúc Ly thuộc xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), là trạm cấp nước dùng nguồn đầu vào bằng nước ngầm. Trạm được đặt giữa cánh đồng, khi chúng tôi có mặt tại trạm không hề có 1 công nhân trực vận hành nào. Quang cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu bủa vây xung quanh trạm, nước chảy lênh láng kèm rác tạo nên một màu vàng quyện không đảm bảo trong công tác vệ sinh môi trường.

Quang cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu bủa vây trạm cấp nước Trúc Ly thuộc xã Võ Ninh huyện Quảng Ninh.

Ông Đoàn Văn Tiên – GĐ HTX, là đơn vị đang vận hành trạm cấp nước này cho biết “việc không có mặt công nhân vận hành là do công nhân ngày có việc gia đình nên không ra trực tiếp vận hành lúc này được. Còn công tác vệ sinh xung quanh khu vực trạm bơm chúng tôi sẽ lưu ý khơi thông cống rãnh, dọn dẹp lại cho sạch đẹp hơn đảm bảo trong công tác vệ sinh môi trường”. Chỉ riêng việc này đã thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường cũng như quy trình vận hành trạm cấp nước.

Tại trạm cấp nước xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) rất nhiều bất cập về công tác vận hành bộc lộ tại đây. Công trình cấp nước sinh hoạt xã Cẩm Dương đi vào hoạt động hơn 20 năm (2001-2022) là trạm cấp nước lấy nguồn nước từ giếng khoan nước ngầm với công suất hơn 300m3/ngày đêm. Công trình được thiết kế 1 Nhà trạm bơm với diện tích 24m2, 1 bể chứa nước dung tích 65m3, 1 bể lắng lọc và 2 tháp đài, mỗi tháp 40m3, cấp nước sinh hoạt cho gần 1200 hộ dân trong xã.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Tổ trưởng tổ điều hành trạm cấp nước xã Cảnh Dương cho biết; việc bơm nước trực tiếp lên bể tháp sau đó bơm về các hộ dân sử dụng mà không qua bể lắng lọc như thiết kế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuận Tổ trưởng tổ điều hành trạm cấp nước xã Cảnh Dương cho biết: “Do nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao, công suất thiết kế trạm cấp nước nhỏ, nếu như vận hành đúng quy trình bơm vào bể chứa rồi qua bể lắng, sau đó đưa lên bể tháp rồi bơm về cho các hộ dân thì không thể đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng. Vì vậy, chúng tôi hàng ngày bơm trực tiếp lên bể tháp sau đó bơm về các hộ dân sử dụng mà không qua bể lắng lọc như thiết kế”.

Điều đáng nói trạm cấp nước Cảnh Dương được lấy từ 8 giếng khoan ngay sát khu nghĩa trang của xã. Việc khoan nước ngầm ngay gần khu vực nghĩa trang, đồng thời quá trình vận hành cấp nước không qua các bể lắng lọc như thiết kế dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh nước sinh hoạt của người dân địa phương. Đây là bài toán cần tháo gỡ để người dân sớm tiếp cận được nguồn nước đảm bảo an toàn.

Công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Cảnh Dương với 8 giếng khoan rất gần với khu vực nghĩa trang của xã.

Việc không có hồ sơ cấp nước an toàn được cơ quan thẩm quyền phê duyệt, thiếu sự giám sát từ chính quyền địa phương, các cá nhân đơn vị được giao vận hành không có chuyên môn nghiệp vụ, không có năng lực trong quản lý điều hành, đồng thời các trạm cấp nước nhỏ lẻ nói trên đều không thực hiện đúng các quy định về công tác vận hành và cấp nước sinh hoạt. Vậy nguồn nước mà người dân nông thôn Quảng Bình hiện đang sử dụng có được gọi là nước sạch nông thôn hay không?. Bài toán giải pháp nào đặt ra lúc này để người dân tiếp cận được nguồn nước an toàn nhất, đảm bảo chất lượng sống an toàn khu vực dân cư? Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng liên quan và truyền tải đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Ngọc Trâm – Minh Tâm

Bài liên quan
  • Quảng Trị: Nhà máy nước hơn 30 tỷ bỏ hoang, người dân mỏi mòn chờ nước sạch
    Moitruong.net.vn – Dự án công trình hệ thống cấp nước xã Hải Chánh (Nhà máy nước sạch Hải Chánh), huyện Hải Lăng do Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị làm Chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2014 với kinh phí lên tới gần 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay dự án bị dừng lại và bỏ hoang do không bố trí được nguồn vốn. Trong khi đó gần 2.000 hộ dân của xã Hải Chánh và nhiều hộ khác ở khu vực lân cận hàng ngày vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình (Bài 1): Bất cập trong việc vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ ở nông thôn