Quảng Nam: Tập trung xử lý môi trường sau bão lũ

12/11/2017 06:10
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ngay sau khi nước rút, các địa phương tỉnh Quảng Nam đã huy động người và phương tiện khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Người dân dọn dẹp bùn non đọng lại sau lũ

Tẩy bùn non

Từ khi lũ rút, người dân đã gấp rút ra quân dọn dẹp, xịt rửa bùn non ngập nhà cửa, đường sá, trường học và các khu dân cư. Nhiều nơi tại tỉnh Quảng Nam có lớp bùn non ứ đọng lại dày, người dân phải thuê xe múc, máy bơm để dọn dẹp, đẩy lớp bùn non ra sông.

Tại xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc) lớp bùn non vàng dày từ 5 – 15cm, dù được các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và người dân đồng loạt ra quân vận chuyển, xử lý dọn dẹp bùn non nhưng cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức để có thể dọn dẹp sạch sẽ. Ông Trần Văn Mai – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, người dân phần lớn đã tự dọn dẹp, đưa lớp bùn non ra khỏi khu vực nhà ở và các con đường dân sinh, lượng rác sau lũ khá nhiều nên chính quyền đã đề xuất các đơn vị thu gom vận chuyển rác tăng cường tần suất hoạt động.

Tại Hội An, hơn 1000 chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Quân khu 5, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Thành đội Hội An cùng người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các tuyến phố bị ngập nặng trong hai ngày 8,9/11. Công ty CP Công trình công cộng Hội An đã huy động 250 người cùng nhiều xe xịt rửa đường, xe cuốn ép và các cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ, ưu tiên dọn dẹp tại các điểm phục vụ APEC như Quảng trường Sông Hoài, đường Nguyễn Thị Minh Khai..

Đến ngày 9/11, các tuyến đường phục vụ cho Tuần lễ Cấp cao APEC cơ bản đã sạch đẹp. Ông Nguyễn Ngọ – Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam cho hay, đơn vị đã hỗ trợ hơn 10 chuyến xe thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, do khối lượng rác tăng gấp 3 – 5 lần bình thường. Các bãi rác lớn trên địa bàn tỉnh cũng đã hoạt động hết công suất để có thể tiêu hủy lượng rác tăng cao sau lũ.

Tại xã Quế Trung (huyện Nông Sơn) cũng là một trong những điểm bị lượng bùn non và rác thải ứ đọng khá nhiều. Lực lượng các cán bộ, chiến sĩ công an của huyện cũng ra quân cùng người dân tham gia dọn dẹp tại các nơi công cộng như đường sá, trường học, trạm y tế, trụ sở ủy ban… khắc phục hậu quả hậu bão lũ để học sinh sớm quay trở lại trường học sau gần một tuần phải nghỉ học do mưa lũ. Lực lượng công an tổ chức nạo vét đất đá, xúc bùn non, rác thải để đưa lên xe thu gom. Ngoài ra, các cán bộ chiến sĩ còn giúp sửa chữa lại bàn ghế và sửa nhà giúp dân.

Các chiến sĩ công an huyện Nông Sơn giúp dân khắc phục hậu quả sau bão lũ

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Sau lũ, nhiều người dân đã chủ động phun thuốc khử trùng, diệt các loại ruồi muỗi để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh. Nhiều hộ dân đã dùng Cloramin B theo chỉ dẫn của ngành y tế để khử trùng nước sinh hoạt trước khi được sử dụng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho hay, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là do phân, rác, nước thải, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật… bị cuốn chung vào nguồn nước khi lũ đến. Khi các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải từ các nhà vệ sinh, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra ngoài thì khâu xử lý sẽ rất khó khăn. Sở cũng khuyến cáo người dân ngoài dọn vệ sinh nhà cửa, chuồng trại, khơi thông cống rãnh cũng cần phải dùng vôi bột để khử trùng, tẩy rửa theo hướng dẫn của ngành thú y.

Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) vừa ký văn bản hướng dẫn các địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng của bão số 12 và bị lũ lụt nghiêm trọng có biện pháp đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống ô nhiễm môi trường, góp phần phòng chống dịch bệnh sau bão, lũ. Chính quyền tỉnh cần phân công cán bộ, theo dõi việc xử lý môi trường khi xử dụng Cloramin B, viên aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn. Hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý môi trường, thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm chết, xử lý các giếng, bể nước bị ngập lụt, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng
tại các nơi bị ngập lụt sau khi nước rút.

Giám đốc Sở Y tế – Ông Nguyễn Văn Hai khẳng định đến nay các đơn vị cùng các địa phương tập trung phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường và cứu trợ nhân dân sau lũ theo phương châm nước rút đến đâu tập trung xử lý đến đó, không để ổ bệnh và dịch bệnh bùng phát. “Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ, tổ chức thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sau khi nước rút, chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm. Các đơn vị y tế cung cấp CloraminB cho nhân dân nhằm khử trùng nguồn nước, thu gom và xử dụng vôi bột hoặc hóa chất sẽ xử lý xác động vật, tránh phát sinh các bệnh truyền nhiễm”, ông Hải cho biết.

Oanh Lê


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Tập trung xử lý môi trường sau bão lũ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.