Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Tây, toàn huyện có 77 điểm nguy hiểm nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…ảnh hưởng đến 566 hộ/2.174 khẩu. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện rà soát, xây dựng và hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai tương ứng với từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai và phù hợp với điều kiện thực tế.
Còn tại huyện Sơn Hà, hiện có 28 vị trí có nguy cơ sạt lở núi, ven sông, suối… ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Để chủ động ứng phó với những sự cố rủi ro, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã thành lập 14 đội xung kích PCTT cấp xã, với 794 thành viên; đồng thời chủ động nguồn nhân lực, chuẩn bị phương tiện và vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm… theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng đối với công trình hồ chứa nước Nước Trong, đơn vị quản lý vận hành và khai thác là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chủ động các phương án đảm bảo an toàn công trình; phương án sơ tán, bảo vệ người và tài sản người dân, công trình nhà nước tương ứng với từng tình huống, mức độ rủi ro thiên tai. Ngoài ra, công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các phương án vận hành, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, nhân lực để sơ tán, di dời dân khi xảy ra các tình huống thiên tai.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Quốc Hùng đề nghị, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Sơn Tây, Sơn Hà cần xác định tình huống và loại hình thiên tai chủ đạo của địa phương, đó là mưa lớn gây sạt lở núi, lũ quét và ngập lụt ven sông ven suối. Trên cơ sở đó xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, nhất là việc huy động và bố trí lực lượng, phương tiện và hậu cần tại chỗ, đảm bảo hiệu quả PCTT. Đối với các công trình thủy điện Đakđrinh, hồ chứa nước Nước Trong, đơn vị quản lý phải tập trung rà soát, kiểm tra thiết bị điện, hệ thống vận hành công trình, nhất là hệ thống đóng, mở van xả lũ. Qua đó góp phần đảm bảo an toàn cho người và tài sản người dân, công trình của nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.