Vụ kiệu Tết năm nay, ông Nguyễn Văn Ba, 50 tuổi, ở thôn Long Yên xuống giống trên 300 m2 từ độ tháng 8 Âm lịch. Đến nay, ông Ba đã có trên 30 năm trồng kiệu ở vùng đất này. Bên đám kiệu đang thu hoạch dở, ông Ba chia sẻ: “Năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất và giá sản phẩm đều cao hơn, đầu ra lại thuận lợi, nên nông dân có niềm vui trọn vẹn. Kiệu của gia đình tôi đã được thương lái đặt mua với giá 15.000 đồng/kg kiệu củ, cao hơn so với năm ngoái 5.000 đồng/ kí”.
Kiệu được nông dân mang ra kênh mương để làm sạch đất, kịp cho thương lái chở đi tiêu thụ
Ông Nguyễn Trung Qùy (90 tuổi) một người dân trồng kiệu nhiều nhất nhì trong thôn Long Yên, cho biết: Mùa kiệu ai cũng thức dậy sáng để kịp thu hoạch, rồi bó thành từng bó cho vào giỏ cân cho tư thương. Năm nay gia đình ông trồng được 3 sào kiệu, thu hoạch trên 3 tấn.
“Cây kiệu trồng từ tháng 7 – 8 đến tháng 12 âm lịch thu hoạch. Mấy năm trước thời tiết không phù hợp, cây kiệu hay bị sâu bệnh. Có năm vứt bỏ đầy ruộng, ai cũng thất thu. Tết vì thế cũng chẳng vui vẻ mấy. Năm nay, cây, củ to đều, lá tươi tốt nên được ký, thương lái mua được giá so với cùng thời điểm này năm ngoái”, ông Qùy phấn khởi.
Kiệu ở thôn Long Yên, xã Bình Long được người tiêu dùng ưa chuộng với đặc trưng riêng thơm ngon
Để có được một mùa kiệu bội thu, thì ngoài điều kiện đất đai người trồng phải chú trọng 2 yếu tố cơ bản đó là nguồn giống và cách chăm sóc. Giống chọn những củ chắc, đều đặn, không to, không nhỏ. Trung bình mỗi sào kiệu, nông dân xuống giống khoảng 35kg và thu hoạch lại khoảng từ 700kg- 1 tấn, thậm chí cao hơn, tùy theo chất lượng giống kiệu.
“Giá kiệu thường sẽ dao động theo thị trường, những ngày về cuối tháng Chạp sẽ đạt đỉnh từ 20.000 đồng- 22.000 đồng/1 ký. Có năm giá kiệu lên cao ngất ngưỡng trên 30.000 đồng/1kg. Dù giá nào đi chăng nữa, nhưng cứ kiệu được mùa, người nông dân ở đây dự báo sẽ đón cái Tết ấm. Bây giờ phải lo thu hoạch lần chứ để hết ngày bán không kịp”, bà Nhung cười cho hay.
Vựa thu mua kiệu của ông Chung tất bật để cung cấp cho phía Nam
Ông Hồ Văn Chung, một trong những người thu mua kiệu nhiều nhất ở xã Bình Long, cho biết, năm nay kiệu đắt giá vì khách hàng trong Nam ăn rất mạnh. Vui nhất là giá cao ngay cả khi kiệu được mùa, chứ giá cao kiểu do mất mùa thì cũng như không. Đặc biệt, kiệu ở vùng đất này thơm ngon, không nồng như những nơi khác nên sản phẩm kiệu Bình Long rất giá trị.
“Mỗi ngày, tôi thu mua 3-4 tấn kiệu lá, sau đó phân loại để vận chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ và tỉnh Thừa thiên Huế. Năm nay năng suất kiệu ở Bình Long cao, giá cả rất tốt, đầu ra thuận lợi, nên cả nông dân và những người kinh doanh kiệu như chúng tôi đều có thu nhập khá”, ông Chung nói.
Toàn xã Bình Long hiện nay có khoảng 22,5 ha kiệu, với khoảng 100 hộ dân tham gia trồng, tập trung chủ yếu ở thôn Long Yên. Với giá kiệu như hiện nay, trung bình 1ha người dân thu về khoảng 200 triệu đồng.
Mỗi sào kiệu nông dân thu hoạch 1 tấn kiệu lá
Ông Phạm Đình Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết, thời điểm giáp Tết, kiệu là cây trồng mang lại thu nhập chính cho nông dân, nên kiệu được mùa, được giá đồng nghĩa với việc thu nhập của nông dân tăng cao. Ngoài những hộ trồng kiệu, những người chuyên mua – bán kiệu cũng có thu nhập khá.
“Nằm trong chuỗi mỗi xã một sản phẩm Bình Long chọn cây kiệu, hiện nay, cây kiệu được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu đã có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Xã cũng đã thiện hồ sơ trình tỉnh để công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao”, ông Dương chia sẻ.
Ánh Hà