Theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ NN-PTNT về việc Phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là 1 trong 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2023, gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS…) vùng Duyên hải miền Trung đạt 22.900ha.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc triển khai thực hiện Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025. Sở NN-PTNT Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này.
Theo đó, Quảng Trị sẽ xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh đến năm 2025 đạt tổng diện tích 5.000ha, tỷ lệ gỗ lớn bình quân ở khu vực rừng gỗ lớn khi khai thác tham gia liên kết có đường kính trên 15cm đạt 60%. Tổng diện tích vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn được quy hoạch của tỉnh 13.000ha. Trong đó, vùng Hải Lăng, Cam Lộ và Triệu Phong 8.000ha, vùng Gio Linh và Vĩnh Linh 5.000ha.
Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp có rừng 245.816ha, trong đó rừng tự nhiên 126.732ha; rừng trồng 119.084ha. Từ năm 2010, Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy tỷ lệ che phủ rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế.
Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20.150ha rừng trồng keo được cấp chứng nhận FSC, trong đó rừng của 3 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9, Triệu Hải và Bến Hải là 17.296ha và rừng hộ gia đình, HTX là 2.854ha.
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị luôn nỗ lực đồng hành cùng bà con nông dân trong công tác trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu.
Việc thay đổi nhận thức của người trồng rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn là quá trình lâu dài, bền bỉ. Những năm qua, Khuyến nông Quảng Trị đã tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền về giá trị và lợi ích từ việc trồng rừng gỗ lớn; hàng năm mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và chuyển tải các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng đến với người dân; đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình trình diễn để làm địa điểm trực quan cho người dân đến tham quan, học tập và làm theo.
Ông Phan Ngọc Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai được 25ha mô hình trồng rừng keo lai dâm hom ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ; thực hiện trên 100ha mô hình keo lai nuôi cấy mô theo quy trình gỗ lớn; mô hình keo tai tượng giống Úc 40ha; thực hiện mô hình chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên 100ha...
Hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn đã khẳng định giá trị cao hơn gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Với giống keo lai mô, đã khắc phục hiện tượng ngã đổ do thiên tai, chất lượng rừng trồng được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn gỗ chất lượng cao.
Những năm tới, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ tập trung đưa keo lai mô giống mới có năng suất cao để xây dựng các mô hình; xây dựng các mô hình vườn ươm cải tiến ươm giống keo lai nuôi cấy mô nhằm một phần đáp ứng nguồn giống chất lượng cao cho công tác trồng rừng gỗ lớn vùng nguyên liệu. Đây là dự án trọng điểm của Khuyến nông Quốc gia đã phê duyệt cho Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thực hiện trong 3 năm 2022 – 2024, với số lượng 03 vườn ươm mỗi tỉnh.
Mặc dù mô hình quản lý rừng bền vững mang lại những hiệu quả rõ rệt về kinh tế cũng như môi trường, nhưng tỷ lệ diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững còn rất thấp, chỉ chiếm 4,7% tổng diện tích. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Các chủ rừng trồng thường mua giống trôi nổi trên thị trường; chu kỳ trồng rừng gỗ lớn có thời gian giữ rừng ít nhất từ 8 - 10 năm nên đòi hỏi người trồng rừng phải có năng lực tài chính; thiếu các dịch vụ để thúc đẩy môi trường kinh doanh cũng như hiệu quả của rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ; diện tích rừng tham gia FSC của HTX và nông dân khá manh mún và rời rạc; chủ rừng duy trì phương thức trồng rừng truyền thống với trồng mật độ dày (3.000 - 3.500 cây/ha) dẫn đến hiệu quả tăng trưởng gỗ rất thấp. Bên cạnh đó, số lượng các HTX có dịch vụ lâm nghiệp để hỗ trợ các hộ có diện tích rừng trồng còn hạn chế, chỉ chiếm 5/32 HTX hoạt động trên địa bàn có diện tích rừng hơn 11.000ha.
Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn phục vụ ngàng công nghiệp chế biến và xuất khẩu cần thực hiện tốt các nôi dung. Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho HTX gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý bền vững thực hiện liên kết với doanh nghiệp; Phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; Thí điểm áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ liên kết.