Rộn rã không khí Tết tại các Hội làng nông thôn

Đức Thiện|24/01/2024 11:59
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã cận kề. Xuân đã về trên khắp nẻo đường đất nước, lễ hội truyền thống tại nhiều địa phương càng làm không khí Tết cổ truyền của dân tộc rộn ràng hơn bao giờ hết.

XEM VIDEO: Rộn rã không khí Tết tại các Hội làng nông thôn

Vừa qua, Hội làng Nho Lâm tại xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã được tổ chức vào hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Chạp âm lịch dựa theo tục lệ hàng năm tại địa phương này. Lễ hội truyền thống năm nay tại các địa phương nói chung và Nho Lâm nói riêng luôn ưu tiên tổ chức theo hướng trang trọng, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội, đồng thời tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa của địa phương.

hoi-lang-1-.jpg
Người dân nô nức xem hội khiến không khí rộn ràng màu sắc ngày Tết

Ông Nguyễn An Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Đền làng Nho Lâm thờ Đức Thánh Long Kiều, Đức Thánh Cao Sơn Tản Viên, cùng bốn vị tướng Trần có công phò Vua cứu Quốc, giải phóng dân tộc. Đền còn thờ các anh hùng liệt sỹ qua các thời kỳ kháng chiến bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước và được nhà nước xếp hạng “Khu di tích Lịch sử Văn hóa”. Vào mùng 9 và mùng 10 tháng Chạp âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống, bày tỏ lòng tri ân tới các bậc tiền nhân, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc”.

hoi-lang-2-.jpg
Ban tổ chức Hội làng Nho Lâm đánh trống khai hội

Lễ hội được tổ chức trong không khí vui tươi nhưng cũng không kém phần trang trọng. Nếu như tại phần Lễ, các nghi thức văn hóa như dâng hương, rước kiệu, tế lễ khiến người dân và du khách được ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, được dịp thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, được có thêm những kiến thức, trải nghiệm thú vị hơn đối với văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc. Thì ở phần hội, du khách và người dân địa phương được hòa mình vào những trò chơi dân gian, những tiết mục văn nghệ đặc sắc, cùng các đặc sản ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống tại địa phương.

hoi-lang-3-.jpg
Các em thiếu nhi tại địa phương háo hức tham dự đêm văn nghệ

Trong đời sống cộng đồng, hội làng là hình ảnh thu nhỏ về cuộc sống nông thôn, làng quê Việt, là sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của bao thế hệ trong quá trình sống, lao động, xây dựng và bảo vệ quê hương. Lễ hội truyền thống luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, cũng như trong bản sắc văn hoá của người Việt. Mỗi hội làng mang một ý nghĩa, một sắc thái riêng, nhưng hòa chung vào “dòng chảy lễ hội”, dòng chảy văn hoá của quê hương, đất nước. Đó là niềm tin vào tâm linh, ngưỡng vọng, tưởng nhớ về tổ tiên, với đạo lý truyền thống tốt đẹp: “uống nước nhớ nguồn”, là nơi nuôi dưỡng, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp cho các thế hệ sau.

Bài liên quan
  • Du xuân về xứ Đào Thục: Thưởng thức nghệ thuật múa rối nước truyền thống
    Moitruong.net.vn – Ông cha ta thường có câu, tháng Giêng là tháng ăn chơi, khi Tết đến Xuân về, cỏ hoa khoe sắc, chồi non, lộc biếc bung nở cũng là mùa của những lễ hội, trò chơi dân gian mở ra. Với những ai yêu thích môn nghệ thuật mang đậm nét văn hóa sinh hoạt của làng quê Việt Nam xưa sẽ không thể bỏ qua môn múa rối nước. Nếu có dịp, bạn hãy một lần ghé qua phường múa rối nước dân gian Đào Thục, nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước đất Hà thành mà người dân nơi đây đã rất tự hào, giữ gìn văn hóa truyền thống có từ cách đây 300 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Rộn rã không khí Tết tại các Hội làng nông thôn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.