Sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

PV|19/02/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/2 về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

cai-cach-hanh-chinh.jpg
Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, xây dựng và hoàn thiện danh mục, số lượng vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế phù hợp tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp lại. Ảnh minh họa.

Để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện thống nhất ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quyết nghị: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp mới được hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với thực hiện tinh giản biên chế tại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp mới hình thành.

Giải quyết chế độ, chính sách đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết chế độ thôi việc, chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác theo pháp luật hiện hành; thực hiện sắp xếp lại số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị sau khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Rà soát, xây dựng và hoàn thiện danh mục, số lượng vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế phù hợp tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp lại.

Về tài chính, tài sản và cấp đổi, thu hồi con dấu, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng phương án, đề án tiếp nhận, bàn giao tài sản, tài chính, công nợ (nếu có); sử dụng trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các tổ chức, đơn vị thực hiện giải thể hoặc sắp xếp tổ chức lại bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản khi đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện thủ tục cấp, thu hồi con dấu khi sắp xếp tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc quản lý, xử lý ngân sách nhà nước, tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước và quản lý tài sản công. Trong trường hợp khó khăn, vướng mắc, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trao đổi, phối hợp với Bộ Tài chính để có phương án giải quyết.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn về đăng ký, cấp đổi, thu hồi con dấu của các tổ chức, đơn vị khi sắp xếp tổ chức, tổ chức lại theo thẩm quyền.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp, về số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp.

Về tăng cường năng lực và việc bố trí nguồn lực bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức mới được thành lập, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tăng cường năng lực cho tổ chức mới được thành lập, ổn định công việc; quan tâm bố trí nguồn lực, tổ chức công việc hợp lý, hiệu quả để đảm bảo tính thông suốt, kịp thời trong giải quyết công việc với người dân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.