Tình trạng khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt đưa lên mạng xã hội…cần được xử lý nghiêm khắc.
Đây là nội dung của một đề xuất được đưa ra tại tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí năm 2016, do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức vào ngày 4/12 ở Hà Nội.
Sau 3 năm thi hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí
Luật Báo chí 2016 quy định khá rõ ràng, chi tiết, tạo điều kiện cho hoạt động nghiệp vụ báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên. Các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí cho biết các cơ quan hành chính nhà nước đã bước đầu tích cực phản hồi thông tin của cơ quan báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí đồng thuận cho rằng, Luật Báo chí 2016 phù hợp với tình hình đất nước, thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, tạo hành lang pháp lý cần thiết để xây dựng nền báo chí lành mạnh, tích cực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Luật Báo chí 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho các nhà báo hoạt động đúng pháp luật, nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo; quan trọng hơn, các nhà báo được làm việc trong môi trường pháp luật có kỷ cương, các nhà báo và cơ quan báo chí phải có trách nhiệm tuân thủ những quy định trong Luật báo chí 2016. Ngoài ra, quy định tại Luật Báo chí 2016 cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động báo chí phải tuân thủ theo quy định.
Truyền thông trong nước trích một số đề xuất bổ sung chế tài xử lý vi phạm tại Hội nghị như cần chế tài xử lý đối với người phát ngôn của các cơ quan hành chính nhà nước khi chậm cung cấp thông tin cho báo chí vì hiện tại Luật Báo chí 2016 chỉ có những quy định chung chung và hầu như chưa có trường hợp nào liên quan bị xử lý.
Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính nhà nước cố tình né tránh, không cung cấp thông tin kịp thời hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí…cần phải bị chế tài xử lý.
Về phía các cơ quan báo chí, một đề xuất được đưa ra là cần bổ sung quy định cụ thể về hoạt động của các văn phòng đại diện và phóng viên nhằm tránh tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp, địa phương. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có cơ chế bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp hành hung phóng viên…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, qua thực tiễn quản lý, ý kiến của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các chủ thể khác có liên quan, Bộ TT&TT nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Minh An