Sơn La: Giải cứu cá thể gấu ngựa nuôi nhốt cuối cùng

Thục Chi|13/12/2021 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tỉnh Sơn La vừa giải cứu, bàn giao con gấu bị nuôi nhốt cuối cùng trên địa bàn về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Cá thể gấu này đã được người dân nuôi tại nhà từ năm 2000.

Ngày 11/12, tổ chức “vì phúc lợi động vật” toàn cầu FOUR PAWS phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Sơn La tổ chức bàn giao và tiếp nhận một cá thể gấu ngựa từ một hộ gia đình tại huyện Phù Yên về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình.

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, cá thể gấu được nuôi tại nhà người dân từ năm 2000. Đây là cá thể gấu nuôi nhốt cuối cùng của tỉnh Sơn La.

Cá thể Gấu Ngựa bị nuôi nhốt cuối cùng tại tỉnh Sơn La (Ảnh: FOUR PAWS).

Sau 21 năm trong chuồng sắt, cá thể gấu này đã được chuyển về môi trường sống phù hợp tại cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Đội ngũ chăm sóc đặt tên cho cá thể này là Tự Do, với cam kết từ nay cá thể gấu này có thể sống tự do như chính tên gọi của mình.

Đoàn cứu hộ khởi hành lúc 5h ngày 11/12 và về đến Ninh Bình lúc 20h40 cùng ngày. Sự kiện Tự Do được cứu hộ chính thức đưa tỉnh Sơn La trở thành tỉnh thứ 41 tại Việt Nam không còn hoạt động nuôi nhốt gấu.

Bà Ngô Thị Mai Hương, Giám đốc Tổ chức FOUR PAWS Việt, cho biết: “Việc những cá thể gấu như Tự Do được chuyển giao về các cơ sở bảo tồn với tiêu chuẩn phúc lợi động vật cao là kết quả từ sự nỗ lực vận động, tuyên truyền của cơ quan chức năng, báo chí và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã”.

Theo bà Hương, cứ thêm một tỉnh thành không còn gấu nuôi nhốt, tổ chức lại đang tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục Thiên nhiên (ENV), năm 2005, ước tính có khoảng trên 4.300 cá thể gấu (chủ yếu là gấu ngựa) bị nuôi nhốt tại các trại gấu tư nhân do kết quả của nhu cầu buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm từ gấu.

Hiện nay, còn khoảng 324 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt tại 105 cơ sở nuôi gấu hộ gia đình trên cả nước, trong đó Hà Nội có 30 cơ sở với 158 cá thể. Nhiều cá thể đã được cứu hộ về các cơ sở bảo tồn và có cơ hội được sống an toàn trong môi trường phù hợp với tập tính loài.

Thục Chi

Bài liên quan
  • Làm gì để bảo vệ động vật hoang dã?
    Moitruong.net.vn – Bảo vệ động vật hoang dã giúp lưu truyền các giá trị vô giá của tự nhiên cho thế hệ về sau. Tổ chức quốc tế Humane Society International (HSI) vừa đưa ra khuyến nghị 7 cách cùng chung tay hành động để trở thành một “chiến binh” bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sơn La: Giải cứu cá thể gấu ngựa nuôi nhốt cuối cùng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.