Tác phẩm đạt giải Ba tập thể Cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2017

25/12/2017 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đất nước ta rừng vàng biển bạc

(Moitruong.net.vn) – “Biến đổi khí hậu” cụm từ quen thuộc mà ngày nay chúng ta thường hay nhắc đến nhưng lại lạ lẫm, xa vời với những người nông dân – lực lượng chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Đối với họ, biến đổi khí hậu chỉ đơn thuần là thiên tai ngày càng trầm trọng, là mối lo sinh kế ngày càng khó nhọc, là những đau thương mất mát về người và của mỗi khi những đợt bão lũ quét qua… Câu nói của người cha nông dân “chân lấm tay bùn” đã khiến tôi trăn trở nhiều đêm và tự hỏi mình: “Đứng trước tình hình này, chúng ta cần phải làm gì?”

                                           Phải không mẹ ơi…?

                                           Nhưng sao nay hạn hán mất mùa

                                           Và bão lũ gây tang thương mất mát

                                           Nhân dân ta vẫn nghèo và đói khát

                                           Cơ cực hơn nhiều phải không mẹ ơi!

                                           Con vẫn nhớ những lời mẹ hát ru

                                           Về đất nước ta xưa kia vốn an bình

                                           “Biến đổi khí hậu” là gì hở mẹ?

                                           Liệu rằng nước ta có bị chia cắt không?

                                           Cha lặng lẽ, khẽ bảo con rằng

                                           “Mẹ Thiên Nhiên đã nổi giận”

                                           “Và chúng ta… chẳng làm gì khác được”

Biến đổi khí hậu toàn cầu là bài toán nan giải đối với các nhà khoa học thế giới và Việt Nam ta cũng không ngoại lệ. Đất nước ta nằm ở vị trí địa lý thuận lợi nhưng “dễ bị thương tổn” bởi biến đổi khí hậu, mà mối lo ngại lớn nhất là hạn hán và xâm nhập mặn. Hãy cùng nhìn lại toàn cảnh vấn đề.

El Nino – một hiện tượng tự nhiên theo chu kỳ – dưới tác động của biến đổi khí hậu bỗng chốc trở thành mối nguy lớn của nước ta. Từ cuối năm 2014, hiện tượng El Nino ngày càng diễn biến xấu đi cả về tần suất và mức độ, gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh của các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo gần đây nhất của CGIAR (2016) – Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế tại khu vực Đông Nam Á – Mực nước biển ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên 20cm kể từ năm 1901; trên toàn quốc nền nhiệt độ và thời lượng mưa đã thay đổi, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh những nguyên nhân trên, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở nước ta diễn biến trầm trọng hơn là do cân bằng nước bất hợp lý giữa các quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông.

Thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy do hạn hán và xâm nhập mặn, gần 475.000 hộ dân đã bị thiếu nước sinh hoạt. Thiệt hại về lúa là gần 248.000ha; cây công nghiệp là 129.000ha, thủy sản là hơn 5.000ha, hoa màu là 19.000ha và cây ăn quả là hơn 52.000ha. Tại khu vực Nam Trung Bộ, tổng diện tích phải dừng sản xuất là 23.000ha, dự báo nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, khoảng 57.000ha đất lúa phải dừng sản xuất vụ hè Thu.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là nơi gánh chịu thiệt hại nhiều nhất do xâm nhập mặn, tổng diện tích thiệt hại các vụ lúa từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là 208.800ha. Nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang… Riêng tại tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh chỉ còn 4 xã của địa bàn huyện Chợ Lách là chưa bị nước mặn xâm nhập. Mức độ xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long vào sâu trong nội địa dao động ở mức 40 – 60 km, với tỉ lệ độ mặn từ 1 – 3 phần nghìn, có nơi lên đến 5 – 6 phần nghìn và dự báo sẽ còn tăng cao.

Biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu trong tiến trình lịch sử phát triển của nhân loại vì thế mà chúng ta chỉ có thể thích nghi với nó và hành động khôn ngoan hơn ngay bây giờ để giảm thiểu các tác hại đã gây ra và ngăn ngừa các thảm họa có thể xảy ra trong tương lai như một lời “tạ lỗi” với Mẹ Thiên Nhiên. Những giải pháp trước mắt và lâu dài cần phải được triển khai đồng bộ và cẩn trọng.

Trước hết, về phía Nhà nước cần ban hành các chiến lược linh động để phòng ngừa, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, các chỉ đạo phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, chính sách hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả, kinh phí cứu trợ… cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan; song hành với đó là sự thỏa thuận và hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên lưu vực sông Mê Kông nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước, an ninh lương thực…

Về phía các nhà khoa học cần tăng cường đo đạc, giám sát, xác định những vùng có nguy cơ cao về độ mặn, hạn hán và các vùng dễ bị lũ lụt, lập bản đồ rủi ro nhằm chủ động dự báo, thông tin đại chúng và ứng biến kịp thời để tránh thiệt hại nặng nề; ngoài ra cần phải phát minh những giống cây chịu hạn, chịu mặn, cây trồng cạn; chế tạo ra các thiết bị cảm biến đo độ mặn, xây đập ngăn mặn; hay các mô hình nuôi trồng mới tiết kiệm nước…

Tuy nhiên, thiết nghĩ những giải pháp chúng ta đưa ra cần phải thiết thực và đơn giản để ai cũng có thể hiểu và làm được, từ đó toàn dân cùng thích ứng với biến đổi khí hậu, chung tay giảm thiểu tác hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra. Điều đầu tiên cần thực hiện đó là tuyên truyền giáo dục nhận thức cho nhân dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, chống lãng phí nguồn nước, trữ nước mùa khô; chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; vận động người dân trồng rừng ngập mặn để bảo vệ tài nguyên đất và nước ven biển… Việc tiếp theo là khi tập huấn cho người dân, chính quyền địa phương cần phổ biến cho các hộ gia đình lịch tưới và lịch xả nước hồ đập, nếu có triển khai thí điểm mô hình mới cần đi liền với thực hành mô hình thực tế.

Một ý tưởng giải quyết bài toán này là ta có thể xây dựng “Hồ chứa nước ngầm” để tích trữ nước ngọt, đây là một việc làm rất quan trọng và khẩn cấp khi tình trạng hạn hán kéo dài. Có thể tích trữ bằng cách xây dựng các hồ chứa nước đặt âm dưới mặt đất, có cửa thu nước và định kỳ hút một lượng nước ngầm nhất định để tích trữ trong hồ (không quá giới hạn) và có thể bổ sung phổ cập nguồn nước bằng cách bơm các nước thải đã xử lý đạt chuẩn vào mạch nước ngầm, để “hệ thống lọc tự nhiên” hoạt động và ta sẽ có lượng nước ngầm mới để sử dụng.

Một ý tưởng khác phải kể đến là xây dựng “Vách ngăn chống mặn” tại các khu vực ven biển dựa trên cơ chế của hiện tượng xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn hình thành theo hai cơ chế: cơ chế thẩm thấu – do thấu kính cát có khả năng mao dẫn nên khi hạn hán, mực nước ngầm và nước mặt giảm, nước biển theo đó xâm nhập vào sâu trong đất liền; và cơ chế tiềm sinh – những khu vực vùng sình lầy ven biển, trong quá trình khai hoang lấn biển bị tù hóa, chuyển từ môi trường có mặn tiềm sinh thành môi trường bị oxy hóa, muối chuyển sang bốc hơi lên bề mặt. Giải pháp “Vách ngăn chống mặn” có nghĩa là ngăn cách vùng cửa sông và biển bằng hệ thống kép vách ngăn bê tông và vách ngăn sinh học (các loài thực vật vùng ngập mặn/chịu mặn). Thuyết minh ý tưởng cụ thể như sau:

Vách ngăn bê tông được làm bằng chất liệu bê tông chống nước mặn, bao gồm 2 lớp: lớp ngoài chắn sóng và hạn chế sự xâm nhập của nước biển, lớp trong là lớp bảo vệ ngăn không cho quá trình oxy hóa đất nội địa diễn ra (ngăn quá trình sinh mặn tiềm sinh). Giữa các vách ngăn bê tông là dải thực vật vùng ngập mặn/chịu mặn với vai trò ổn định và trung hòa môi trường bị mặn hóa do nước biển, có thể phân lô dùng để nuôi trồng thủy sản nước mặn/nước lợ; đất dùng để trồng các cây lấy một phần từ khu vực rừng ngập mặn, kèm theo đó là cát bồi bãi sông đệm giữa hai vành đai bê tông hóa.

Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp và công tác ứng phó là một hành trình lâu dài và gian nan cần phải có sự chung tay từ cộng đồng. Để làm được điều này, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp đơn giản trước tiên, giáo dục ý thức cộng đồng và về lâu dài cần có sự hợp tác toàn diện của tất cả các cấp, bộ ngành trung ương và địa phương cũng như hợp tác quốc tế.

Hậu quả của biến đổi khí hậu là khôn lường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế cũng như tính mạng con người. Chính vì vậy, làm cho dân hiểu thấu đáo, hiểu cặn kẽ về cụm từ “Biến đổi khí hậu” và các tác hại của nó bằng các hành động cụ thể thay vì truyền thông đơn thuần sẽ hình thành ở người dân một niềm tin hy vọng về cuộc sống bình yên, hòa thuận và thích ứng với sự biến đổi của Mẹ Thiên Nhiên.

Mẹ ơi liệu có cách

Làm bạn với thiên nhiên

Sống với lũ với hạn

Bởi thiên nhiên là bạn

Là Mẹ, là nguồn sống

Mãi mãi…

“Mẹ” ơi!

Nhóm Tác giả thực hiện:

1. Vương Thị Thu Nhàn

Ngày tháng năm sinh: 20/07/1996

Sinh viên: Chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường trường Đại học Công Nghiệp TPHCM.

2. Vương Quốc Tuấn

Sinh viên: chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa Dầu, khoa Kỹ thuật Hóa học trường Đại học Bách Khoa TPHCM.

3. Nguyễn Thị Kim Liên

Sinh viên chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường trường Đại học Công Nghiệp TPHCM.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tác phẩm đạt giải Ba tập thể Cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống năm 2017
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.