(Moitruong.net.vn) – Biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã và đang là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan không theo quy luật.
Năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử thế giới, với mức tăng nhiệt độ xấp xỉ mục tiêu giới hạn được các nước đặt ra nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất năm 2016 cao hơn năm 2015 khoảng 0,2oC, ở mức 14,8oC, tức là cao hơn 1,3oC so với giai đoạn trước cuộc Cách mạng công nghiệp. So với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đạt được tại Paris năm 2015 với đề xuất hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với giai đoạn tiền công nghiệp thì con số 1,3oC được xem là đã sát ngưỡng nguy hiểm. Nhiệt độ tăng cao kéo theo hiện tượng băng tan ở hai cực, từ đó hiện tượng bão lụt cũng tăng.
Riêng ở Việt Nam hiện tượng bão lụt – hạn hán đã và đang làm cho con người, nền kinh tế nước ta bị thiệt hại nặng nề. Nổi bật là lũ lụt năm 1999 (hay còn được gọi là Đại hồng thủy 1999), trận lụt gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho miền Trung đặc biệt là ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại tài sản lên đến gần 3800 tỷ đồng và số người chết lên đến 595 người. Tình hình hạn hán ở nước ta năm 2016 diễn ra vô cùng phức tạp. Trong 6 tháng cuối năm 2016, nắng nóng cục bộ vẫn xuất hiện tại các tỉnh miền đông Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày đạt ngưỡng 35 – 36oC (tháng 6), từ 31 – 34oC (tháng 7 – 9). Nhìn chung nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1oC. Lượng mưa tại nhiều khu vực có sự phân bố không đồng đều.
Trong tháng 6/2016, tại khu vực Nam Bộ lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong tháng 7/2016, các tỉnh miền Đông Nam Bộ tổng lượng mưa tháng phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 – 40%, nhưng tháng 8 thì cao hơn từ 10 – 30%. Vào tháng 9/2016, tổng lượng mưa cao hơn so với các năm trước từ 20 – 40%.
Biến đổi khí hậu ở Việt Nam những năm gần đây gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan như thời tiết giá lạnh đầu năm 2016, băng giá và tuyết xuất hiện ở các vùng phía bắc những ngày cuối tháng 1, là hệ quả của đợt không khí lạnh mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Nắng nóng, hạn hán kỷ lục, mưa lũ liên tiếp tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Do lượng mưa năm 2015 thấp, dung tích trữ của một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Năm 2016 nước ta bị xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong 100 năm qua, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng, ở vụ mùa Thu Đông năm 2015, có khoảng 90.000 ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất. Thống kê sơ bộ cho thấy, thiệt hại do thiên tai năm 2016 ước tính là gần 18.300 tỷ đồng, phá hỏng 258,3 nghìn ha lúa, 113,2 nghìn hoa màu và 49,8 nghì ha nuôi trồng thủy sản, làm chết 52,1 nghìn con gia súc, 1,7 triệu gia cầm và hơn 1 nghìn tấn thủy sản các loại. Tháng 12/2016, nhiệt độ trung bình ở đồng bằng Trung du Bắc Bộ nóng hơn so với trung bình là 3oC , với mức đó vào tháng 12 là một con số rất lớn. Báo hiệu cho chúng ta biết thời tiết sẽ chuyển pha trung tính từ hiện tượng El Nino sang hiện tượng La Nina bởi thế nên thời tiết sẽ rất khó dự đoán hơn.
La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, đây là một hiện tượng trái ngược lại với hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên). Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng ba đến tháng sáu hằng năm, gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng hai năm sau. La Nina sẽ xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc. Hiện tượng La Nina thuộc dòng biển lạnh làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua. Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay khi hiện tượng El Nino suy yếu, nhưng có khi không phải như vậy. La Nina sẽ gây nhiều bão tố trên Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ bão ở Thái Bình Dương. Chu kỳ của hiện tượng La Nina thường kéo dài hơn chu kỳ của hiện tượng El Nino. Thời gian trung bình của một lần xuất hiện hiện tượng La Nina là 14 tháng, nhiều nhất 24 tháng.
Với những hiện tượng, số liệu nêu trên đã làm rõ diễn biến, hậu quả, tác hại, sự khó lường của Biến đổi khí hậu. Từ đó ta có những hướng đi, giải pháp mới, để dễ dàng đối phó với thiên tai, giảm thiểu sự tác động của con người lên môi trường để hạn chế những hiện tượng thời tiết cực đoan, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng El Nino – La Nina. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể trong doanh nghiệp cũng như với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Tăng cường tuyên truyền, nâng tầm hiểu biết cho mọi người dân, tăng cao tinh thần bảo vệ môi trường thông qua tổ chức các hoạt xã hội. Đầu tư trang bị tối tân nhất để dự đoán thời tiết chính xác hơn, các tổ chức doanh nghiệp cần đầu tư hơn nữa vào các công trình xử lý nước thải, khí thải trước khi xả vào môi trường. Xử phạt nghiêm minh những đối tượng không có ý thức bảo vệ môi trường, khen thưởng, tuyên dương tập thể – cá nhân có đóng góp lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường ở địa phương. Huy động các nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức công tác thực hiện bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp theo hướng tổng thể, đồng bộ, đầu tư đủ, có trọng tâm, giải quyết nhanh gọn từng khu vực đảm bảo hiệu quả. Ý thức của con người là hàng đầu, mỗi cá nhân có ý thức, tạo nên một tập thể có ý thức, mọi người phải cùng chung tay bảo vệ môi trường – bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Tác giả thực hiện:
Họ và tên: Lê Hồ Sơn Lâm
Năm sinh: 1998
Địa chỉ: Kiệt 27 Đặng Trần Côn, tp Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế