Nội dung trên là một trong những quy định mới đáng chú ý trong nghị định 59 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10. Nghị định này quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử và quyền, nghĩa vụ các bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử.
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử. Trường hợp chưa đủ 14 tuổi sẽ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Theo Nghị định, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử. Khi đăng ký tài khoản định danh, công dân sẽ có danh tính điện tử, hay còn gọi là "căn cước công dân điện tử".
Danh tính điện tử là thông tin của một cá nhân hoặc tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử, cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử. Từ 20/10, mỗi cá nhân đều có một danh tính điện tử riêng.
Danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân (mã số định danh), họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay). Danh tính điện tử của người nước ngoài bổ sung thêm quốc tịch, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Các tổ chức cũng có thể đăng ký định danh điện tử, trong đó sẽ có những nội dung như mã định danh điện tử của tổ chức, tên tổ chức, ngày tháng năm thành lập đơn vị, địa chỉ trụ sở chính, họ tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu tổ chức.
Mỗi danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản định danh điện tử. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an - C06).
Đáng chú ý, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc tương đương hộ chiếu với trường hợp là người nước ngoài khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.
Tài khoản mức độ 2 còn có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử (qua ứng dụng VNeID) để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các giao dịch dân sự thay căn cước công dân gắn chip như hiện nay.
Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có tính bảo mật cao, tích hợp nhiều thông tin của công dân, do vậy, có thể xuất trình căn cước công dân điện tử thông qua ứng dụng VNeID thay thế nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng, chủ tài khoản định danh điện tử phải bảo mật, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Nếu mất kiểm soát tài khoản định danh của mình hoặc phát hiện người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình thì cần báo ngay cho công an theo số 19000368 để được hỗ trợ.
Xài như căn cước công dân gắn chip
Trước đó, lãnh đạo C06 cho biết công dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công sẽ giảm thủ tục xác minh thông tin, có thể chia sẻ thông tin của mình để tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông... Thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không cần phải khai báo, điền nhiều lần như trước đây.
Khi đăng ký tài khoản ở mức độ 2, thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được tích hợp, tạo thành một thẻ căn cước công dân điện tử.
"Căn cước công dân điện tử có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân gắn chip vật lý. Có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip", lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phân tích.