Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống cao

Minh Hoàng|06/05/2022 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Chính trị đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết mới về phát triển thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá, bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế của thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ.

Từ đó, Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm cần tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu, đến năm 2030, GRDP giai đoạn 2026 – 2030 tăng 8,0 – 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 – 13.000 USD.

Đến năm năm 2045, thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Bộ Chính trị nêu rõ, cần phát triển kinh tế thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân thủ đô.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Theo đó, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.

Bên cạnh đó, nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).

Cùng đó, xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân – Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng…

Phát triển đô thị Hà Nội thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía bắc và cả nước.

Phấn đấu đến năm 2025 có 3 – 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 – 2 huyện phát triển thành quận.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội thủ đô trong mọi tình huống; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của thủ đô.

“Hà Nội phải thẩm định kỹ lưỡng các dự án đầu tư nước ngoài tại khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh; bảo đảm phát triển kinh tế thủ đô với quy hoạch tổng thể bố trí thế trận quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ”, nghị quyết nêu.

Minh Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống cao