Tăng cường biện pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Minh Anh (t/h)|09/12/2019 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND TP Hà Nội nhận được Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tăng cường biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo: Lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, nhất là trong kế hoạch trung hạn và 5 năm tới tại địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em, để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh.

Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em. Bên cạnh đó, chăm lo sự phát triển toàn diện trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, những kiến thức, hiểu biết cho trẻ em, hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro, những yếu tố dễ tổn thương. Tăng cường kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với các tác động tiêu cực.

Ảnh minh họa

Đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn.

Ðiều đáng quan tâm, địa bàn xảy ra các hành vi xâm hại thường là tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ. Các đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để đạt được mục đích của mình. Ða phần đối tượng xâm hại trẻ em là người có mối quan hệ thân quen với trẻ, lợi dụng lòng tin, sự hồn nhiên, trong sáng, không cảnh giác của trẻ, cũng như cha mẹ trẻ để thực hiện các hành vi xâm hại. Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới, nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý còn non nớt, cho nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại. Có những trường hợp bị xâm hại không tố giác ngay, dẫn tới khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Một lý do khiến tội phạm liên quan đến việc xâm hại trẻ em chưa được xử lý nghiêm do có một số quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 đến nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực thi, gây những khó khăn cho công tác đấu tranh, điều tra, truy tố, thậm chí là oan sai, bỏ lọt tội phạm đối với các vụ việc xâm hại trẻ em.

Chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người vi phạm bạo lực, xâm hại trẻ em. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Về việc trên, Uỷ ban nhân dân thành phố giao các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu đề xuất thực hiện, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố theo quy định.

Trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội, tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội trong thời gian tới, cũng như sự phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ số đã và sẽ tiếp tục tác động rất lớn tới tư duy, nhận thức, quan điểm, hành vi, đạo đức, lối sống của cả người lớn và trẻ em, cả mặt tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, cần có quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hệ thống các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến cơ sở, tập trung giảm đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ em bị xâm hại ở tất cả các môi trường mà trẻ em đang sinh sống, học tập. Có như vậy mới góp phần giảm bớt các vụ xâm hại trẻ em, không để tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp hơn không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các địa phương khác trên cả nước.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường biện pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em