Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các nữ đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa 1 đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII.
Trong cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%, cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%.
Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua đã có những điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử đại hội các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả bốn cấp của nhiệm kỳ này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.
Việt Nam đã xây dựng được các nền tảng để đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia chính trị như tham gia các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, có Luật Bình đẳng giới và ngày càng có nhiều đạo luật được lồng ghép giới, có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong cấp ủy Đảng, bộ máy nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong nhiệm kỳ 2016-2020.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phân tích thực tế cho thấy, sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do không đủ năng lực mà còn do các yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác.
Trong quá trình khắc phục những hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị. Do đó, công tác truyền thông về bình đẳng giới, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tăng cường với các nội dung trọng tâm như các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; các quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong đó có quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tuyên truyền vai trò và những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, nhất là với những ứng cử viên tham gia lần đầu.
Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức khác, qua đó thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Các kênh truyền thông hữu hiệu, kịp thời giúp truyền tải thông tin liên quan tới các cơ quan chức năng để từ đó tiến hành rà soát, đánh giá lại những chính sách, kết quả đạt được và xác định những giải pháp nhằm tháo gỡ những trở ngại, khó khăn trong công tác cán bộ nữ hiện nay.
Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hiệp quốc tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến hạn chế sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động chính trị do một số ứng cử viên nữ tiềm năng lại không được công chúng biết đến.
Một nghiên cứu truyền thông toàn cầu được tiến hành vào năm 2015 tại Việt Nam đã cho thấy rằng chỉ có 22% các tin tức được đưa ra trên các trang báo, truyền hình và đài phát thanh nói về phụ nữ và các vấn đề của phụ nữ. Tỷ lệ này chỉ chiếm 18% các tin tức trên mạng thông tin điện tử. Vì vậy, truyền thông có thể đóng một vai trò to lớn trong việc làm nổi bật hình ảnh của những lãnh đạo nữ.
Truyền thông có sức mạnh để định hình các giá trị xã hội, các chuẩn mực giới và các ý tưởng, là những công cụ quan trọng nhất đem lại sự thay đổi tích cực và phá vỡ những khuôn mẫu. Truyền hình, báo chí… cần phải giúp làm hiện rõ sự đóng góp của phụ nữ trong những vấn đề chung trước công chúng và đảm bảo độ bao phủ về truyền thông, cơ hội xuất hiện bình đẳng của cả hai giới trong cả quá trình bầu cử./.
(Theo VietnamPlus)