Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường

Theo Monre|13/04/2018 23:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi họp báo quý I/2018

(Moitruong.net.vn) – “Năm 2018, Bộ sẽ dành 30% kinh phí, lực lượng phục vụ thanh tra đột xuất các vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường khi có thông tin hoặc được báo chí phản ánh. Các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và pháp luật về tài nguyên và môi trường hoặc được cấp có thẩm quyền giao” – ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây.


Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tại buổi họp báo quý I/2018

Đổi mới cơ bản, nội dung thanh tra, kiểm tra

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2017, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ đã có bước đổi mới cơ bản, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và bám sát định hướng của Chính phủ, của ngành và Thanh tra Chính phủ, các đơn vị trong Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương và Bộ ngành khác điều chỉnh kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Các đơn vị trực thuộc Bộ đã tiến hành 119 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 915 tổ chức trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố (tăng 29 cuộc và giảm 261 tổ chức được thanh tra so với năm 2016). Bên cạnh đó Bộ đã triển khai 28 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và tổ chức 02 đoàn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 323 tổ chức với tổng số tiền trên 35 tỷ, kiến nghị truy thu nộp ngân sách 730 triệu đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh kiểm tra (có 35% số tổ chức được thanh tra, kiểm tra có vi phạm tập trung ở lĩnh vực môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước), đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Năm 2017, Bộ đã tổ chức tiếp 413 lượt với 976 người của 204 vụ việc (trong đó có 209 vụ việc cũ đã đến từ những năm trước và 204 vụ việc mới phát sinh), có 38 lượt đoàn đông người (590 người). So với năm 2016, số lượt công dân đến Bộ giảm 39,6% (272 lượt), số người giảm 35,3% (533 người), số đoàn đông người giảm 60,4% (58 lượt đoàn). Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai nhận được: 3.248 lượt đơn. So với năm 2016, số đơn thư Bộ nhận được giảm 9,6 % về số lượt và giảm 5,6% về số vụ việc; đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm hơn 95,3%.

Trong năm 2017, số vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao là 41 vụ việc (trong đó có 18 vụ việc năm 2016 chuyển sang), đã cử Đoàn thẩm tra, xác minh 41 vụ việc. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 28 vụ việc, số vụ việc còn lại đang được các Đoàn công tác hoàn thiện báo cáo. Số vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm là 48 vụ việc (trong đó có 13 vụ việc năm 2016 chuyển sang), Bộ đã cử Đoàn thẩm tra, xác minh 37 vụ việc. Kết quả đã ban hành quyết định, văn bản giải quyết 24 vụ việc.

Công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và quy chế làm việc của Chính phủ, nhất là các trường hợp đông người, bức xúc, phức tạp, kéo dài. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm; việc đối thoại, hướng dẫn, giải thích; quá trình thực hiện đã có sự phối hợp tích cực giữa Bộ với các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc tiếp tục kiểm tra, rà soát giải quyết vụ việc tồn đọng, kéo dài đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ đã nhận tiếp nhận 1.413 thông tin phản ánh, kiến nghị về tài nguyên và môi trường qua đường dây nóng (Thanh tra Bộ: 235 thông tin, Tổng cục Quản lý đất đai: 926 thông tin; Tổng cục Môi trường: 252 thông tin); trong đó, có 361 thông tin trùng hoặc không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét giải quyết. Đến nay, các đơn vị trong Bộ đã trực tiếp xử lý 28 thông tin, hướng dẫn trực tiếp 251 thông tin, còn lại 773 thông tin đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định.

Các nhiệm vụ trọng tâm về thanh tra, kiểm tra trong năm 2018

Ông Lê Vũ Tuấn Anh – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết: Năm 2018, Bộ sẽ dành 30% kinh phí, lực lượng phục vụ thanh tra đột xuất các vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường khi có thông tin hoặc được báo chí phản ánh. Các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và pháp luật về tài nguyên và môi trường hoặc được cấp có thẩm quyền giao.

Căn cứ Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 đã được ban hành tại Quyết định số 872/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2018. Trong năm 2018 các nhiệm vụ trọng tâm về thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Bộ như sau:
Bộ sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của UBND tỉnh tại 4 tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Nam và Cà Mau.

Thanh tra về đất đai, sẽ thực hiện các nội dung thanh tra theo Đề án Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020, cụ thể thanh tra việc quản lý, sử dụng đất 19 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế ở 6 tỉnh thành phố Thái Nguyên, Cần Thơ, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Định.

Về lĩnh vực môi trường, tập trung thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, xi mạ, nhiệt điện.

Về lĩnh vực khoáng sản, tập trung thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức có hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản do Bộ cấp phép.

Về lĩnh vực tài nguyên nước, tập trung thanh tra việc thực hiện vận hành điều tiết của các hồ chứa quy định tại các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong việc tuân thủ các nội dung quy định của Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên các lưu vực sông; Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong việc tuân thủ các nội dung quy định của Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và pháp luật về tài nguyên và môi trường hoặc được cấp có thẩm quyền giao; thực hiện kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra đã ban hành trong các năm trước.

“Ngoài ra, Bộ cũng xác định sẽ thanh tra đột xuất đối với một số lưu vực sông có vi phạm môi trường lớn như kênh Bắc Hưng Hải, Duy Tiên và thanh tra đột xuất về tài nguyên – môi trường ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định…” – Ông Tuấn Anh cho biết thêm

Ông Tuấn Anh cũng đề nghị các cơ quan báo chí, phóng viên khi tác nghiệp có các thông tin về những cơ sở gây ô nhiễm môi trường kịp thời cung cấp thông tin cho Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường để thực hiện nhiệm vụ thanh tra đột xuất.

Theo Monre

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường