Tết về thương hương mùi già cuối năm

24/01/2020 12:48
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những ngày cuối năm, lòng cứ chộn rộn, nôn nao một cảm giác khó tả. Là cũng bởi Tết sắp đến rồi. Ai mà không háo hức cơ chứ? Màu Tết quyện lẫn với mùi Tết cứ mênh mang, hư hư thực thực, nó gần gũi như thước phim mới ngay trước mắt mà cũng xa vời ngàn dặm. Trong hư thực lẫn lộn ấy, ẩn hiện trong tâm tưởng, trong lồng ngực đang hừng hực khát cháy về nỗi nhớ Tết quê nhà là mùi của lá mùi già chiều cuối năm. Lá mùi già trong nồi nước tắm của mẹ là hình ảnh thân thương và luyến nhớ nhất của bốn anh chị em tôi. Hương mùi già đã thấm sâu vào da thịt, vào những năm tháng Tết ấu thơ ngọt ngào.

Tôi nhớ rất rõ, khi cái không khí Tết đã thực sự ùa vào trong mỗi nếp nhà, sự chộn rộn, gấp gáp nhà nhà người người thì hương mùi già cũng bắt đầu nương theo ngọn gió đông mà về. Mẹ tôi ra nương, cầm liềm hái những bó mùi già thật to, tận dụng cái nắng mùa đông đang còn hanh hao, mẹ dàn trải lớp mùi già dưới sân và phơi cho đến thật khô khén. Lá mùi già chẳng còn lạ lùng gì với đám trẻ quê chúng tôi ngày đó. Những chiều cuối năm, gặp nhau trên đường, trong buổi chăn trâu hay ở chợ đứa nào đứa nấy đều hỏi thăm nhau “Nhà mày chuẩn bị lá mùi già cuối năm chưa”. Chỉ cần lời hỏi thăm đơn giản thế thôi, nhưng lòng lại chộn rộn một cảm giác không tưởng, cứ háo hức mãi một mùi hương thân quen.

Tết về thương hương mùi già cuối năm

Với tôi cành mùi già thật kỳ diệu! Chẳng có thể ngờ trong sắc xanh đậm nhạt của thân cây, hoa trắng tím như màu khói, và chi chít những trái mùi bé xíu lại tạo nên một mùi hương nồng nàn, vấn vương, ngọt ngào và thầm kín. Hương lá mùi già chiều cuối năm gắn kết con người lại gần nhau hơn, tâm hồn được tĩnh tâm, gột bỏ những mệt mỏi sau bao ngày mưu sinh thường nhật. Hoa mùi dân dã không thơm như hoa hồng, hoa huệ, hoa nhài cũng không khiến người ta ngất ngây đắm say nhưng lại có một sức hút thật lạ, nhẹ nhàng, bình yên. Hương hoa mùi có mùi thơm ngai ngái, hăng hắc đậm đà tình quê… Tôi cũng không biết diễn tả như thế nào nữa cho chính xác, chỉ biết nó có cảm giác vô cùng dễ chịu.

Chiều 30 Tết dù bận rộn cỡ nào mẹ cũng chuẩn bị một nồi nước thật lớn gọi mấy anh em vào tắm, dội lên người thứ nước có mùi hăng hắc, da dính đầy hoa mùi già. Thuở xưa bà tôi vẫn thường nói tắm nước lá mùi già để tẩy uế, người phải thật thơm tho thì không bị dông, ma quỷ không lại gần. Anh em tôi cứ hễ thấy ma quỷ là run sợ nên cho dù lười biếng đến đâu cũng ngoan ngoãn để mẹ tắm. Mãi sau này mới hay rằng, tắm nước mùi già cuối năm là một phong tục đẹp, một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Theo quan niệm của người dân quê tôi, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận suốt một năm. Ai chưa được tắm nước lá mùi già thì cảm giác trong người day dứt, không thoải mái. Sang năm mới, mọi chuyện chưa vẹn tròn, chưa toại nguyện xin gạt qua một bên, sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới. Hương thơm ngai ngái, dìu dịu và trầm ấm của mùi lan tỏa khắp mọi ngõ nhỏ, đường quê, xoa dịu bớt cái lạnh của mùa đông. 

Với tôi Tết trọn vẹn là khi được ngửi hương mùi già lẫn quất, được dội lên người thứ nước thơm đặc biệt. Mùi hương thơm của nước lá mùi già đó không chỉ là mùi thơm bình thường mà là mùi của sự chăm sóc, tình thương yêu của mẹ. Nhắc nhớ những người xa quê nhớ về nguồn cội, gốc rễ.

Bây giờ, anh em chúng tôi đã lớn khôn, nhưng mẹ thì đã rời bỏ cõi trần. Mỗi độ Tết về càng thương mẹ hơn, thương nồi nước mẹ nấu mùi hương mùi già năm xưa. Ở quê giờ cũng chẳng mấy ai mặn mà tắm lá mùi già chiều 30 Tết nữa. Còn ở phố, thì đúng là “tìm đỏ mắt” cũng chẳng thấy ai bán lá mùi già. Chao ôi, nhớ đến là nhớ! Thứ hương thơm không còn là hương thơm bình thường nữa mà đó là mùi hương của ký ức, của những năm tháng ấu thơ bình yên!

Cao Văn Quyền

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tết về thương hương mùi già cuối năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.