Cúng giao thừa vào mấy giờ?
Lễ cúng giao thừa còn gọi là lễ Trừ tịch, được tiến hành vào giờ phút cuối cùng của năm cũ bắt đầu qua năm mới. Theo phong tục truyền thống, người Việt làm mâm cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời với ý nghĩa bỏ lại mọi điều xấu của năm cũ, chào đón những điều tốt đẹp của năm mới đang đến.
Theo quan niệm dân gian, giao thừa là thời khắc thiêng liêng khi Đất Trời giao hòa, Âm Dương gặp gỡ để vạn vật bừng lên sức sống mới. Bởi vậy, lễ cúng giao thừa được cử hành khi kết thúc giờ Hợi ngày 30, sang giờ Tý mở đầu ngày mùng 1 Tết. Đây là lễ cúng rất quan trọng, gồm lễ cúng trong nhà và cúng ngoài trời.
“Năm 2020, nên cúng giao thừa vào mấy giờ, cúng giao thừa ngoài trời vào thời điểm nào”, trả lời cho câu hỏi này, các chuyên gia phong thủy cho biết lễ cúng giao thừa nên được tiến hành vào giờ Tý (23 giờ đến 1 giờ).
Theo tục lệ dân gian, lễ cúng giao thừa ngoài trời được tiến hành trước, sau đó mới đến lễ cúng giao thừa trong nhà. Lễ cúng ngoài trời là để cúng các quan thần linh, còn lễ trong nhà để cúng gia tiên.
Lễ cúng giao thừa năm Canh Tý cần chuẩn bị những gì?
Trong Việt Nam phong tục của nhà văn hóaPhan Kế Bính (1875-1921), có viết về lễ cúng giao thừa như sau: “Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới.
Cúng tế cốt ở tâm thành và lễ cúng vào giữa nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương thay đức Ngọc Hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa sang năm.
Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại tống cựu nghinh tân nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa”.
Mâm cúng giao thừa trong nhà
Mâm cúng giao thừa trong nhà gồm những lễ vật sau:
– Mâm ngũ quả
– Hoa tươi
– Bánh kẹo
– Mứt tết
– Trầu cau, tiền vàng
– Mâm cỗ mặn: Mâm cỗ mặn nên đặt bên dưới bàn thờ hoặc ở bàn khác, không bày lên bàn thờ.
Sau khi cung kính bày lễ, người lớn tuổi nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, xúc miệng rượu thơm, đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính lễ Giao thừa trong nhà, khấn thần linh và mời tiền nhân về ăn Tết cùng con cháu.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời
Để tiến hành cúng giao thừa ngoài trời, mâm cúng gồm các lễ vật: hương, đèn/nến, trà, tửu, hoa, quả, cỗ chay hoặc cỗ mặn tùy điều kiện của gia đình. Mâm cúng giao thừa ngoài trời không cần quá cầu kì như mâm cúng giao thừa trong nhà nhưng cần phải được chuẩn bị với lòng thành, chế biến sạch sẽ và trình bày gọn gàng. Theo thông lệ, các gia đình thường chuẩn bị gà luộc nguyên con ngậm hoa hồng, bánh chưng và mâm ngũ quả.
Vào đúng giờ Tý (23 giờ ngày 30 Tết), các gia đình đặt mâm cúng trước cửa nhà. Nếu gia đình ở chung cư, đặt mâm cúng ở ban công hoặc tại sảnh lớn của tòa nhà mình ở. Sau khi đặt ngay ngắn mâm cúng, gia chủ tiến hành nghi thức cúng tiễn đưa thần cũ, đón thần mới, hy vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng.
Giao thừa là thời khắc linh thiên của dân tộc, đánh dấu một năm cũ trôi qua và chào đón năm mới thuận lợi, nhiều niềm vui hơn thế nên cúng giao thừa luôn được người Việt chuẩn bị kỹ lưỡng từ mâm cỗ, nghi lễ, văn khấn và những điều không nên trong đêm giao thừa.
Khánh An