Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30 km làng lá dong Tràng Cát (Thanh oai, Hà Nội) yên bình suốt năm qua bước vào mùa thu hoạch chính, người người ra vườn, nhà nhà cắt lá dong phục vụ cho Tết Nguyên đán. Đây được coi là nơi trồng lá dong nhiều nhất khu vực Bắc bộ. Lá dong ở đây được ưa chuộng bởi có màu xanh mướt như ngọc, lá dai, bản to. Dùng lá này gói bánh sẽ cho ra bánh xanh tươi và mang mùi thơm rất riêng so với các vùng khác.
Lá dong được xem là phần không thể thiếu trong những chiếc bánh chưng xanh ngày Tết. Những ngày cuối năm này thôn Tràng Cát lại nhộn nhịp người qua lại để thu hoạch lá dong. Như thường lệ, cứ đến giữa tháng 12 âm lịch, người dân ở đây bắt đầu cắt lá về dự trữ để kịp phục vụ tết Nguyên Đán . Nhờ được trồng trên vùng đất bãi bồi của sông Đáy, lá dong Tràng Cát có bầu lá rộng, mỏng nhưng dai, giúp bánh chưng có màu xanh tự nhiên, thơm rền rất khác biệt mà không nơi nào có.
Người dân tất bận thu hoạch lá dong để Những cánh đồng lá dong chuẩn bị vào mùa thu hoạch để phục vụ tết Nguyên Đán 2020
Nét đặc trưng của lá dong Tràng Cát là khổ lá đều, chiều dài khoảng 50cm-60cm, chiều rộng 25cm-35cm. Theo người dân nơi đây, lá dong Tràng Cát là thứ giống lá dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loài dong rừng. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu “lá dong Tràng Cát” là bởi vì Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, nơi có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm có khí hậu ôn hòa, nên lá dong cứ được đà mà sinh sôi nảy nở, từ đó mà làm nên thương hiệu lá dong hàng trăm năm nay.
Từ đầu tháng Chạp, không khí thu hoạch, buôn bán lá dong tại thôn Tràng Cát đã trở nên hết sức nhộn nhịp, người thì hái lá, người thì xếp, người thì buộc, mỗi người một công đoạn. Các lái buôn ở khắp nơi đã đổ về đây để mua lá dong.
Theo người dân nơi đây, trồng một lần thì thu hoạch được mãi. Cứ cắt lá cũ đi lá mới lại trồi lên, năm này qua năm khác. Lá dong ở Tràng Cát qua bao năm bao tháng mà không hề mất đi bởi đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa với tỷ lệ hai phần đất cát và một phần đất thịt, tạo điều kiện thuận lợi cho lá dong sinh trưởng và phát triển.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà một người trồng lá dong ở thôn Tràng Cát chia sẻ: “Tôi đã trồng lá dong đến bây giờ đã khoảng 20 năm. Cây lá dong này trồng dưới bóng của cây mít thì sẽ cho lá rất đẹp, trồng dưới bóng râm thì nó xanh lá và nó đẹp cả cuống lá nữa. Nếu cây nào trồng mà không có bóng râm thì nó sẽ bị vàng. Cây lá dong cho thu hoạch quanh năm, đến dịp gần Tết thì vườn lá dong cho thu nhập khoảng hơn 40 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Tuất: một người trồng lá dong khác ở xóm Bãi, thôn Tràng Cát cho biết: “Mỗi năm tôi cũng cung cấp ra thị trường hàng trăm vạn lá dong. Mỗi 100 lá sẽ cho thu nhập tầm 100 ngàn. Từ khi tôi chuyển từ các loài cây khác sang trồng lá dong làm kinh tế chủ lực tính đến bây giờ cũng đã gấn 20 năm. Trước khi trồng lá dong thì tôi trồng hoa màu, trồng sắn, khoai dong… Nhưng mà tôi bây giờ đã bỏ hẳn trồng các loài cây đó mà chuyển sang trồng cây lá dong bởi nó năng suất hơn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loài cây hoa màu khác thêm vào đó công sức chăm bón loài cây này cũng nhàn hơn rất nhiều so với cây rau màu. Lá dong nhà tôi thường cung cấp cho địa bàn Hà Nội và các tỉnh khác trong nước, có khi lá dong của nhà tôi còn được xuất khẩu sang bên nước ngoài như Liên Bang Nga, Malaysia…
“Lá dong này đã có từ khi thành lập làng cho đến nay, Trong làng năm nay lá dong 3 phần thì chỉ còn lại 2 phần nữa bởi phải nhường chố lại cho các loài cây khác như cam, ổi bởi đặc tính của loài cam, ổi thì phù hợp với các loài “đất lạ” nên hai loài cây này cũng cho hiệu quả rất là cao. Mỗi sào cam bây giờ đánh đổ 3,4 sào lá nên nhiều người đã phá để trồng cam. Sau một thời gian cái cam nó lại thoái hóa đất, cam nó lại không mang lại hiệu quả nữa giờ nhiều người lại quay lại tiếp tục trồng lá dong. Năm nay trồng thêm nhiều lá dong lắm” – Chị Tuất cho biết thêm.
Người dân đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa lá dong ra thị trường
Theo chân một người dân đi cắt lá dong, PV không khỏi bất ngờ bởi sự nhanh tay, khéo léo của những người dân nơi đây. Mỗi người dân ở đây, một buổi sáng một người có thể cắt được từ 2 ngàn đến 3000 lá. Lá dong được chia làm 3 loại, lá loại 1 lá những lá to, đẹp nhất, có chiều dài khoảng 60 cm, độ rộng khoảng 40 cm. Lá loại 2 và loại 3 thì có kích thước nhỏ hơn .
Tràng Cát – Xã Kim An huyện Thanh Oai (Hà Nội) được xem là nơi có lá dong cung cấp ra thị trường lớn nhất Hà Nội. Khi dùng để gói bánh sẽ giúp bánh có màu xanh tự nhiên, đẹp mắt, bánh có mùi thơm nên rẩt được mọi người ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, lá dong cũng được xuất ra nước ngoài phục vụ kiều bào đón tết. Lá dong thời điểm hiện tại đang được bán với giá từ 100 đến 140 ngàn đồng cho một trăm lá.
Trao đổi với PV ông Đoàn Văn Huỳnh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim An cho biết: “Lá dong Tràng Cát đã có từ khi thành lập làng. Trong làng có khoảng 90% người dân trồng lá dong. Diện tích toàn xã để trồng lá dong khoảng hơn 25 héc ta. Điểm đặc trưng của lá dong Tràng Cát khác với lá dong ở các nơi khác là lá ở làng Tràng Cát này có màu xanh tươi, cuống lá nó xanh vàng sáng chứ nó không xanh đen, xanh sẫm như là lá dong ở các nơi khác. Gói bánh thì nó xanh chứ nó không đen như là lá dong rừng, Lá dong ở đây nó dẻo, lá nó bầm tàu chứ không phải nó dài như lá dong rừng. Nó ngắn tàu, bầm tàu rất dễ gói. Tàu lá nó rất dễ gói bánh, bánh nó ăn rất ngon, thơm không như lá dong rừng. Chỉ cần nhìn bề ngoài là có thể dễ dàng phân biệt được đâu là lá dong của làng Tràng Cát và đâu là lá dong rừng.”
“Bình quân mỗi sào lá dong sẽ cho thu nhập từ 15 – 20 triệu, thậm chí hơn 20 triệu đồng. Thu nhập khi trồng lá dong cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Cái “hay” của trồng lá dong là nó có thể cho thu hoạch quanh năm và người dân chỉ cần trồng đúng 1 lần và không phải trồng mới. Thị trường tiêu thụ của lá dong Tràng cát là ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lá dong ở xã Kim An những năm trước còn xuất khẩu ra nước ngoài đặc biệt là Liên Xô.” – Ông Huỳnh cho biết thêm.
Về Tràng Cát những ngày này đi đâu cũng bắt gặp cảnh bà con tấp nập người vào ra để tập trung cho việc thu hoạch lá phục vụ tết nguyên đán Canh Tý sắp tới. Lá dong được xem là linh hồn của làng Tràng Cát, là tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam và với mỗi người dân làng Tràng Cát, loại lá này đã trở thành biểu tượng và thương hiệu, niềm tự hào mỗi khi nhắc về quê Hương. Vì ý nghĩa đó, người dân thôn Tràng Cát vẫn luôn hi vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi khi tết đến, xuân về.
Đức Hiếu – Thu Hằng