Tết xưa của miền đất Nam Bộ

Minh Khôi|06/02/2022 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khi xưa, để có một cái Tết trọn vẹn và đủ đầy, người Nam Bộ phải dày công chuẩn bị, từ những việc “vòng ngoài” như trồng hoa, nhặt lá mai đến việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa và cả những tục lệ sau đó.

Tiếng trống lân giòn giã mở màn cho phiên chợ Tết Nam Bộ rực rỡ sắc màu. Nếu cái Tết của người miền Bắc, miền Trung là sự sum vầy ấm cúng của từng gia đình, thì Tết phương Nam lại là sự náo nhiệt, đông vui của cả xóm làng. Mọi người cùng tụ họp ở không gian công cộng, tham gia các trò chơi dân gian như lô tô, ca vọng cổ, lắc bầu cua, không khí rộn ràng, hào sảng đậm chất miền sông nước.

Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình được đoàn tụ, sum họp

Nhưng từ độ giữa tháng Chạp, cơn gió chướng đã đi qua, không khí cũng ấm dần lên và cũng là lúc nhiều nhà bắt đầu gieo hoa vạn thọ, hoa cúc để khi Tết đến, có những bông hoa do tự tay mình trồng cắm lên bàn thờ tổ tiên, hay có mấy chậu cúc vạn thọ để quanh nhà cho có không khí Xuân ấm áp. Những ngày này chợ dưa, chợ hoa là đông vui và nhộn nhịp nhất. Các bà, các chị đi mua sắm để trang hoàng lại nhà cửa, mua đồ làm bánh mứt. Chợ hoa, chợ dưa hấu bán đến chiều ngày cuối của năm. Ai cũng mua một cặp dưa mang về để lên bàn thờ gia tiên cho phải lễ. Có gia đình chuẩn bị chu đáo đến nỗi phải đi chợ mấy bận mới sắm đủ cho ba ngày Tết. Những ngày này, ra chợ ai cũng cười nói rôm rả, có lẽ vì là không khí Tết nên tâm hồn con người cũng rộng mở hơn, bớt đi mệt nhọc ngày thường.

Người dân Nam Bộ dầm mưa dãi nắng ruộng đồng, chài lưới suốt tháng ngày, chỉ có Tết là dịp nghỉ ngơi, hội hè. Lúa gặt đập phơi phóng quây bồ vừa dứt, rằm tháng Chạp nhặt lá mai xong, thiên hạ lao xao chuẩn bị đưa ông Táo về Trời.

Chẳng hiểu sao thèo lèo bao giờ cũng phải có. Những thanh kẹo đậu phộng, mè đen, cốm, mứt cứt chim hình chữ nhật xinh xinh trộn chung như báo tiết Xuân sang.

Sau ông Công, ông Táo, nhà nhà lo dọn dẹp, quét vôi, phơi lá chuối, làm kiệu, mứt, củ cải ngâm nước mắm. Đêm 25, chợ đêm đã vô mùa. Dưới ánh đèn, từng đống dưa hấu xanh thẳm ngồn ngộn, người bán che rạp quây quầy mứt bí, dừa, khoai lang, hạt sen, me, chà là, hạt dưa…

Hàng đường, đậu, nếp, thịt heo, đồ khô, bao lì xì, vải, quần áo nhộn nhịp. Kẻ bán người mua lao xao, háo hức. Con nít bu kín các xe bong bóng, kẹo kéo.

Hàng dừa tươi, đu đủ non, sung chùm, quýt, thơm, mãng cầu, xoài cũng bị vây chặt, ai cũng cố lựa cho bằng được trái đẹp, trái tươi chưng mâm ngũ quả – “Cầu dừa đủ xoài sung”.

Nhiệm vụ long trọng của đàn ông trai tráng sáng 30 là dựng nêu. Trong ranh tre sát nhà, phải chọn cây mập, thẳng, dáng thon từ gốc tới ngọn, cao gần ba sào. Róc tre, đào lỗ thì dễ.

Gói bánh tét là nét văn hóa đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của người Nam Bộ

Nhưng chọn hướng cho lá bùa bát quái bay phần phật, sáo trúc, kim khí chấn tà kêu lanh canh phải nhờ các bậc cao niên chỉ bảo. Bày biện bàn thờ, dán liễn thường do người quan trọng nhất nhà đích thân gánh vác.

Trong lúc đó, phái nữ lại tất bật dao thớt, củi lửa sửa soạn mâm cúng rước ông bà, có nhà đúng ngọ là phải tươm tất tề tụ cả gia đình trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút nhang khói.

Bốn món dứt khoát không thể thiếu trên mâm cơm Tết của người phương Nam là thịt kho nước dừa, canh khổ qua, đầu heo ngâm dấm và dưa giá.

Thịt kho tàu hay thịt đùi heo kho chung nước dừa xiêm “đắt” ở chỗ miếng thịt mềm mại tơi từng sợi, mỡ beo béo, nước mắm dừa trong màu hổ phách.

Khổ qua, được hiểu là “khổ ơi, qua mau”, mang ý nguyện năm mới may mắn, tai qua nạn khỏi. Lỗ tai, mũi heo ngâm dấm giòn giòn, chua chua, cuốn chung bánh tráng và dưa giá chấm nước mắm ớt, ăn hoài không ngán.

Ngày đó, chỉ cần giở khạp dưa giá ra mà thấy giá ỉu xìu là các bà các chị mau mau chắp tay xin trời đất năm mới tai qua nạn khỏi. Dưa giá phải trắng bóc, nhai giòn mới tốt cửa tốt nhà.

Cực mà vui nhất là nấu bánh tét cuối năm. Lá chuối phơi sẵn, cả nhà xúm lại lau lá, tước dây, xào nhân. Từng đòn bánh xanh mướt thắt lạt chặt chịa được sắp vào nồi to tựa cái lu nhỏ, đun củi gộc phừng phừng lửa. Người lớn vừa canh bánh vừa râm ran hàn huyên tâm sự, con nít ngủ gà ngủ gật đợi cúng Giao thừa.

Củi tàn, bánh chín cũng là giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa hai con giáp. Đĩa bánh tét ngút khói, mâm ngũ quả đủ màu sắc rực rỡ, cành mai vàng bung nụ, cặp dưa căng mọng dán chữ đỏ nhũ kim, hộp mứt bát giác, trà gói giấy kiếng đỏ.

Dưới trời đêm đen như mực, gia quyến nghiêm trang thành kính cầm nén hương khấn vái, mong gia đình an khang thịnh vượng. Cùng lúc, tiếng pháo râm ran, lúc đầu lạch tạch lè tè rồi từng đợt từng đợt rộn ràng khắp trời.

Sáng mùng Một, ngoài đường trước ngõ tĩnh lặng. Cãi cọ, động dao thớt, quét nhà… là những điều cấm kỵ. Không được mở cửa cho tới khi có người xông đất.

Trong nhà thì ngược lại, đám trẻ lăng xăng diện áo mới chờ chúc Tết ông bà cha mẹ để được lì xì, rồi xúm xít ăn bánh tét, dưa món, chơi lô tô, bầu cua cá cọp…

Quý nhân đến xông đất đầu tiên thể hiện niềm may mắn hay xui xẻo cho gia chủ trong suốt năm, vì vậy ít ai ra khỏi nhà sớm mùng Một, trừ khi được mời.

Quá 12 giờ trưa hay nhiều khi tận sáng mùng Hai, người ta mới xuất hành để thăm họ hàng, thân tộc.Mấy ngày Tết, việc cúng kiếng rất được coi trọng, bữa cơm nào cũng cúng tổ tiên xong mới được dùng.

Mùng Ba Tết nhà, gói bánh ít. Tục Tết nhà phải thức dậy trước canh năm, cứ ba đĩa bánh ít, ba đĩa tam sên (tôm khô, thịt luộc, trứng gà), ba đĩa mứt, ba đĩa trái cây.

Người Nam Bộ vẫn giữ được khá đầy đủ bản sắc văn hóa độc đáo ngày Tết đoàn tụ, nên tự nghìn xưa Tết Nguyên đán là ngày hội lớn của dân tộc. Ở đó, lễ là phần nghi thức có tính thiêng liêng; hội là chuyện vui chơi suy nghĩ theo ý niệm trần tục. Nó được định hình và phát triển ngày một sinh động, khởi sắc hơn là nhờ cả hai yếu tố bổ sung cho nhau. Họ trân trọng gìn giữ như gìn giữ một di sản tinh thần vô giá và đầy tính nhân văn của cha ông, không để đánh mất một yếu tố nào, bởi mất một trong hai yếu tố ấy là xem như đã phá vỡ cấu trúc thiêng liêng ngày Tết.

Minh Khôi

Bài liên quan
  • Bác Hồ với “Tết trồng cây” và “Tết trồng người”
    Moitruong.net.vn – Sinh thời, Bác Hồ thường nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trồng cây và “trồng người”, theo nghĩa rộng, là chủ đề nhiều bài viết và bài nói của Bác trong nhiều năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết xưa của miền đất Nam Bộ