Thái Nguyên: Sớm có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông

Trọng Nhân|23/05/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bước vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân sống ven sông Cầu, thuộc địa phận xã Tân Phú (T.X Phổ Yên) luôn canh cánh nỗi lo sạt lở bờ sông, gây nguy cơ mất an toàn về tính mạng và tài sản.

Phổ Yên và Phú Bình là hai địa phương nằm dọc tuyến sông Cầu, có chiều dài đê phòng lũ lớn nhất tỉnh. Thời gian qua, mặc dù công tác đầu tư xây dựng kè, cống bảo vệ đê được cải thiện rất nhiều nhưng không tránh khỏi tình trạng xuống cấp ở một số công trình. Mặt khác, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên dọc tuyến sông Cầu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tình trạng sạt lở bờ soi, tác động xấu đến chân đê làm mất an toàn phòng lũ.

Vào mùa mưa, nước sông Cầu chảy xiết làm xói lở đất một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con xã Tân Phú (T.X Phổ Yên).

Riêng T.X Phổ Yên hiện có tới 31,5km đê, chiếm 65% hệ thống đê toàn tỉnh. Một số vị trí đê, bờ sông có dấu hiệu sạt lở gồm: Kè đê xóm Soi, xã Đông Cao (khiến một số vị trí nhà ở của người dân gặp nguy hiểm), kè Phù Lôi, xã Thuận Thành (do hoạt động khai thác cát sỏi cách đó không xa làm xói lở đất canh tác gần đê)… Tại huyện Phú Bình, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép cũng khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở, tiến sâu vào đất liền cả chục mét.

Đây là thực trạng đáng báo động, cần có giải pháp hiệu quả để phòng chống, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, mục tiêu thực hiện đến năm 2030 sẽ là hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông; hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy một số đoạn sông có diễn biến xói bồi phức tạp; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông.

Năm nay, tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất là ở xã Tân Phú. Địa phương này cũng đã được đầu tư 1 khu tái định cư tập trung vùng sạt lở bờ sông và ngập úng với diện tích 3,3ha. Hiện nay, xã đang tiến hành bình xét cho các hộ sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao di chuyển đến nơi ở mới. Đối với các hộ chưa di dời, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con có phương án phòng tránh sạt lở trong mùa mưa bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Cùng với đó, thị xã cũng đề nghị tỉnh quan tâm, có phương án hỗ trợ xây dựng hệ thống kè dọc bờ sông để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.

Hiện đang trong mùa mưa bão, nước sông thường dâng nhanh và chảy xiết nên tình trạng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, bà con đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở ở xã Tân Phú cần chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, theo dõi mực nước, sự thay đổi của dòng chảy để chủ động phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần sẵn sàng phương án di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân trong trường hợp khẩn cấp.

Trọng Nhân

Bài liên quan
  • Cà Mau: Thử nghiệm mô hình điện mặt trời trên biển
    Moitruong.net.vn – Một mô hình thử nghiệm điện năng lượng mặt trời trên biển đã được khởi công tại Cà Mau, do Công ty Cổ phần Địa ốc Xây dựng và Đầu tư Sài Gòn (SCTI) đã kết hợp cùng LONG TECH triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Sớm có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông