Thanh Hà (Hải Dương) – Bài 1: Người dân bức xúc vì nước sinh hoạt “bẩn”, nhưng giá nước lại tăng đột biến

An Nhiên|18/09/2019 10:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù, phải sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, nhưng người dân xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà vẫn phải trả giá tiền nước cao gấp hai lần, khiến người dân vô cùng phẫn nộ.

Giá thu tăng gấp đôi nhưng vẫn phải sử dụng nước “bẩn”

Thời gian gần đây người dân tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương rất bức xúc trước tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng được công ty TNHH MTV nước sạch Phượng Hoàng (Công ty nước Phượng Hoàng) cung cấp, đặc biệt giá nước lại tăng đột biến.

Nhận được phản ánh của người dân, PV tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã có mặt tại xã Phượng Hoàng để tìm hiểu về sự việc trên và thấy rằng những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Quả lọc trong bình lọc nước của nhà dân ứ đọng phù sa, đất cát

Theo ghi nhận tại bể chứa nước, téc nước của các hộ dân, phần dưới đáy đang bị phủ một lớ đất, cát dày từ 2 – 3cm. Do nguồn nước của Nhà máy nước Phượng Hoàng không đảm bảo tiêu chuẩn nên người dân nơi đây đã phải tự xây thêm bể để lọc nước. Những chiếc bể từ 3 – 5m3 được xây lên ngày càng nhiều, cùng với đó là mỗi người dân lại phải mất thêm từ 5-10 triệu đồng để xây bể, gây tốn kém và lãng phí. Tuy nhiên, sau khi lọc qua bể thì chất lượng nước vẫn chưa đảm bảo nên người dân lại tiếp tục phải bỏ tiền ra mua máy lọc nước, nhưng những chiếc máy lọc nước này cũng chỉ lọc được vài chục lít nước để ăn uống và chỉ 2 tuần là phải thay quả lọc vì quá bẩn. Còn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày người dân vẫn phải sử dụng nước đã lọc qua bể của gia đình.

Nước thải có màu vàng của nhà máy nước Phượng Hoàng xả trực tiếp ra môi trường

Theo ông N.D.C, người dân địa phương cho biết: “Gia đình tôi 2 tuần phải rửa bể chứa nước một lần, mỗi lần cọ rửa, phải mất vài tiếng đồng hồ vì những váng nước, cặn bã, đất cát chưa được lọc kỹ bám quanh thành bể. Không chỉ riêng nhà tôi, mà các nhà khác đều phải có bình lọc nước để lọc lại và lấy nước đó nấu ăn”.

“Không biết nhà máy lọc nước kiểu gì mà khi nguồn nước về tới nhà dân còn rất nhiều cặn bã, đặc biệt là phù sa, nhà nào nhà đấy mỗi khi rửa bể, rửa téc đều phải khiếp sợ vì những tầng đất cát, phù sa dày từ 2 – 3 cm. Nước có nhiều cặn đen, rêu, thậm chí là có bọ gậy lẫn trong nước. Với chất lượng như vậy, chúng tôi không thể dùng trực tiếp để ăn uống. Gia đình tôi sử dụng nước này cũng không yên tâm, vì những năm gần đây rất nhiều người của xã bị bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng. Nước bẩn như vậy, nhưng giá thành lại quá cao. Điều khó hiểu là từ thàng 7/2019 giá nước từ 5.400 đồng/m3 đã tăng lên 11300 đồng/m3 nước, trong khi các xã trên, giá nước không hề thay đổi”. Ông N.Đ.N chia sẻ.

Các thùng hóa chất không có lắp đậy, để chỏng chơ lộ thiên ngay bên ngoài môi trường

Theo chân người dân của xã, PV đã có mặt tại công ty TNHH MTV nước sinh hoạt xã Phượng Hoàng, theo tìm hiểu, nguồn nước để xử lý thành nước sinh hoạt cho người dân được lấy từ sông Thái Bình, hệ thống bể chứa nước, bể lọc, máy lọc còn sơ sài, đi vào khu khử trùng mùi hóa chất nồng nặc, như mùi thuốc tẩy quần áo rất khó chịu, các thùng hóa chất không có lắp đậy, để chỏng chơ lộ thiên ngay bên ngoài môi trường. Đi sâu vào bên trong, PV được tận mắt chứng kiến những bao phèn, bao muối vứt lăn lóc, nằm ngổn ngang dưới nền nhà ẩm mốc, ngay cạnh khu khử trùng không có khu lưu trữ hay bảo quản theo đúng quy định. Dù được ông Phó giám đốc công ty giải thích rằng để khử trùng nước phải có clo, nhưng theo khảo sát thực tế PV không thấy khu lữu trữ nào cất giữ hóa chất clo, mà chỉ thấy có những bao phèn chua và muối. Phải chăng, công ty chỉ dùng phèn và muối để khử trùng nước?

Ngay bên cạnh khu vận hành máy bơm nước, là những dụng cụ, ống nước, máy bơm cũ rỉ sét được chất đống ngổn ngang, không được thu gom, xử lý hay để vào trong kho.

Nước thải trong quá trình xử lý xả ra ao ngay trước cổng công ty rồi theo mạch chảy ra sông Thái Bình

Nước thải, chất thải trong quá trình lọc theo đường ống rồi xả thẳng ra ao trước cổng công ty, khiến nước ao chuyển thành màu vàng đục, nhiều váng nước nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Những chất thải này lại theo dòng nước chảy ra sông Thái Bình, sau đó công ty lại nước nước mặt từ sông Thái Bình để xử lý rồi bán cho dân.

Trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng ở đâu?

Trao đổi với PV ông Nguyễn Danh Thường – Chủ tịch Mặt trận xã Phượng Hoàng cho hay: “Là một cán bộ của xã, cũng là người trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Tôi cũng có những ý kiến phản ánh với lãnh đạo xã về nước sinh hoạt bị ô nhiễm và giá thành nước tăng cao, qua các cuộc họp cử tri để giải quyết vấn đề này càng nhanh càng tốt, làm sao ổn định được tư tưởng của dân, tránh việc nhân dân xuống đường biểu tình, gây mất trật tự an ninh của xã. Nhưng chủ tịch xã lại cho rằng đây là quy định của tỉnh nên địa phương và đồng chí chủ tịch không có chức năng để can thiệp vào việc này”.

Ông Nguyễn Danh Thường – chủ tịch mặt trận xã Phượng Hoàng mong muốn các cấp chính quyền vào cuộc kiểm tra xử lý để đmả bảo nước sạch cho người dân

Mặc dù, sự việc xảy ra trong một thời gian dài nhưng UBND xã Phượng Hoàng và huyện Thanh Hà vẫn làm ngơ, dung túng cho công ty TNHH MTV nước sạch xã Phượng Hoàng lộng hành sản xuất nước bẩn nhưng lại bán cho dân giá quá cao. Được biết, xã Phượng Hoàng đang được huyện chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chí để cuối năm 2019 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhưng vấn đề trên địa bàn xã chưa có nước sạch thì việc công nhận xã Phượng Hoàng đạt chuẩn nông thôn mới cần phải xem xét lại.

Tòa soạn môi trường và cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hà (Hải Dương) – Bài 1: Người dân bức xúc vì nước sinh hoạt “bẩn”, nhưng giá nước lại tăng đột biến