Thanh Hóa cần xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê và xâm thực biển

Hoàng Anh|23/08/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra một số dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê và xâm thực bờ biển tại các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa và TP. Thanh Hóa.

Thời gian qua, đoạn từ K6+570-K6+600 tuyến đê tả sông Càn, thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn xuất hiện vết nứt dọc mặt đê, chiều rộng khe nứt 1,5cm; đoạn đê từ K6+600-K6+690 xuất hiện khe nứt tại mép đê phía sông; đoạn từ K6+570-K6+600 khe nứt dần mở rộng 30-40cm khiến mặt, mái đê đoạn cách mép đê phía sông 1,5m có nguy cơ bị sạt trượt. Huyện Nga Sơn đã xử lý bằng biện pháp cắt cơ hạ tải khu vực mặt, mái đê bị sạt trượt, đào bạt mái đê đoạn đê chưa bị sạt trượt, tăng ổn định cho mái đê khu vực sạt trượt nguy hiểm.

thanh-hoa.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cùng các thành viên trong Đoàn kiểm tra tiến độ thi công Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới

Kiểm tra thực tế hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Nga Sơn khẩn trương xây dựng, phê duyệt phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho đoạn đê; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, chỉ huy tại chỗ, sẵn sàng triển khai, xử lý tình huống.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp cùng UBND huyện Nga Sơn công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê tả sông Càn đoạn từ K6+570-K6+690; báo cáo phương án xử lý khẩn cấp. Giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp sạt lở đoạn đê tả sông Càn nêu trên từ nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh.

Tiếp đó, đoàn công tác đã đi thị sát tình hình thực hiện dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở, xâm thực bờ biển khu vực cửa Lạch Hới thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 155,5 tỷ đồng từ ngân sách 3 cấp, thực hiện trong năm 2022-2023 và đến thời điểm này đạt khối lượng thực hiện khoảng 63% giá trị hợp đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Hoằng Hóa chỉ đạo Ban quản lý dự án huyện và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm phát huy hiệu quả công trình phòng, chống thiên tai trong năm 2023; đồng thời phải sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các hộ dân sinh sống sát mép nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi xâm thực, sạt lở.

Với sự cố sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950-K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án trọng điểm hộ đê, phòng chống lụt bão. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP. Thanh Hóa thực hiện phương án “bốn tại chỗ” đã được phê duyệt, chủ động bảo vệ đê khi có tình huống khẩn cấp. Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xử lý sự cố đê, dự kiến khởi công xây dựng vào cuối tháng 8/2023.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bến En
    Ngoài bảo tồn tính đa dạng của vườn quốc gia Bến En, các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng những mô hình chăn nuôi thiết thực của Ban quản lý vườn quốc gia Bến En, đã giúp hệ sinh thái nơi đây từng bước hồi sinh, qua đó thiết lập được một nền kinh tế xanh bền vững cho người dân sống trong vùng đệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa cần xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê và xâm thực biển