Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bến En

Trọng Sơn|22/08/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngoài bảo tồn tính đa dạng của vườn quốc gia Bến En, các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng những mô hình chăn nuôi thiết thực của Ban quản lý vườn quốc gia Bến En, đã giúp hệ sinh thái nơi đây từng bước hồi sinh, qua đó thiết lập được một nền kinh tế xanh bền vững cho người dân sống trong vùng đệm.

Một trong những trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam!

Vườn quốc gia Bến En cách TP Thanh Hoá 45km về phía Tây Nam, trải rộng qua 10 xã, thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân (Thanh Hoá); được thành lập ngày 27/01/1992 theo Quyết định 33 CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), với tổng diện tích 14.305 ha. Cùng với sự đan xen của nhiều dạng địa hình đồi núi, sông, suối, hồ… góp phần tạo ra nhiều hệ sinh thái, dẫn đến sự đang dạng, phong phú về mặt sinh học với nhiều giống loài động, thực vật.

1.jpg

Với địa hình kết hợp sông suối ao hồ, Vườn quốc gia Bến En được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”

Theo số liệu thống kê của Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, hiện tại Vườn có 1.417 thuộc 712 chi, 191 họ, 76 bộ, 9 lớp và 6 ngành thực vật bậc cao có mạnh. Đặc biệt, trong Vườn hiện có trên 300 loài cây dược liệu quý như mã tiền, sa nhân, trẩu, màng lay, hương bài, thu hải đường...

Riêng đối với động vật: Hiện có 1.530 loài, trong đó bao gồm 102 loài thú, 277 loài chim, 66 loài bò sát… Ngoài ra là còn có các loại cá, các động vật đáy và côn trùng. Trong đó có 29 loài nằm trong sách đỏ IUCN và 42 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

2.jpg
Hàng năm, nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan nghỉ dưỡng

Đối với hệ sinh thái rừng nhiệt đới đai thấp chủ yếu là rừng thứ sinh, cây gỗ có đường kính nhỏ. Tuy nhiên, khu vực này là nơi tập trung của giống Lim xanh -thực vật đặc hữu nổi tiếng ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các loài gỗ quý hiếm như Chò chỉ, Vù hương, Sến mật... Vườn quốc gia Bến En có hồ sông Mực rộng trên 2000ha, là thủy vực của bốn con suối lớn trong vùng. Ngoài ra, trên hồ còn có 21 hòn đảo lớn, kết hợp với hệ thống hang động, giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Sự phong phú, đa dạng về sinh học của Vườn quốc gia Bến En đã được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Sau một lần tham quan, khảo sát tại Vườn quốc gia Bến En, Tiến sỹ Manfred Nienisch, Giám đốc điều hành Tổ chức bảo vệ rừng nhiệt đới (OROVERDE) nhận xét: “Việt Nam là nơi hiếm có với đặc điểm đa dạng, sinh học của mình. Thậm chí trên toàn thế giới cũng chỉ có rất ít quốc gia có sự phong phủ tương tự như vậy về thành phần các loài động vật và thực vật hoang dại.” (Trích trong tay lưu niệm của Vườn quốc gia Bến En).

Bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững

Hiện nay, để gìn giữ, bảo tồn và phát triển đa dạng hệ sinh học, Ban quản lý đã chủ động thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ rừng như tăng cường nắm bắt thông tin, đổi mới hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng kết hợp ứng dụng phần mềm "Smart" và công nghệ GPS. Tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ rừng.

3.jpg
Hiện tại, đơn vị đang nuôi, cứu hộ 11 cá thể hươu sao, hỗ trợ người dân phát triển ổn định cùng kinh tế rừng

Trong khu vực vùng đệm, Vườn đã thành lập 8 trạm quản lý bảo vệ rừng. Các trạm được phân công quản lý bảo vệ, xây dựng hệ thống mốc giới rõ ràng. Cùng với đó, Ban quản lý Vườn cũng đã xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng với 130 người tại các thôn trọng điểm, các hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại rừng.

Về công tác bảo tồn, phát triển bền vững và đa dạng sinh học, đơn vị đã tập trung kêu gọi nguồn đầu tư từ các dự án của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học như dự án GAIA (Dự án trồng lim xanh). Ngoài ra, Vườn cũng tập trung khoanh nuôi tái tự nhiên, khoanh nuôi kết hợp với trồng bổ sung tái tạo rừng.

8.jpg
Nhìn từ xa, cây lim nghìn năm hiện lên như một chiếc ô khổng lồ giữ núi rừng

Những cánh rừng ở Bến En nổi tiếng cả nước bởi đây là nơi phân bố cây lim xanh rộng lớn. Những năm trước, cây lim xanh đã bị khai thác kiệt quệ. Với sự hỗ trợ từ các dự án, cán bộ kỹ thuật của Vườn đã điều tra, khảo sát thực trạng quần thể lim xanh cổ thụ, thu nhập các mẫu tiêu bản, xác định đặc tính phân bố, đặc tính sinh học của loại cây này. Trên cơ sở đó tiến hành nghiên cứu gieo, ươm và trồng bổ sung thành công cây lim xanh bản địa.

Từ năm 2012 đến nay, vườn quốc gia Bến En đã trồng mới được trên 30 ha cây lim xanh. Ngoài lim xanh, Vườn cũng đang tiếp tục triển khai nghiên cứu gieo ươm và trồng bổ sung cây vù hương và rất nhiều các loại thực vật, cây thuốc quý, nhằm từng bước phục hồi hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan đặc sắc vốn có nơi đây.đ

5.jpg
Khỉ mặt đỏ - Một trong những loài động vật bảo tồn trong vường quốc gia Bến En

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, Vườn quốc gia Bến En đã thực hiện thành công hàng chục mô hình sản xuất thương phẩm các loại cây nông sản, dược liệu quý, trong đó hỗ trợ người dân trồng được 20 ha cây bương mốc, 4 ha cây khôi tía, 4,5 ha dổi ăn hạt.

Công tác bảo tồn, phát triển động thực vật của Vườn luôn được quan tâm hàng đầu. Hiện tại, đơn vị đang nuôi, cứu hộ 11 cá thể hươu sao, 15 cá thể gà rừng lai, 04 cá thể chim công, 24 chim trĩ, 06 cá thể khỉ (gồm 01 khỉ vàng, 01 khỉ đuôi dài, 04 khỉ mặt đỏ), 01 cá thể rùa sa nhân… Đồng thời, đã tiếp nhận cứu hộ và tái thả về rừng tự nhiên 14 cá thể động vật, gồm: 02 cá thể trăn gấm, 10 cá thể rắn, 01 cá thể tê tê, 01 cá thể cu li. Từ đó góp phần đưa nơi đây trở thành trung tâm cứu hộ động vật uy tín của tỉnh và khu vực.

Ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bến En cho biết, hiện nay do đời sống người dân trong vùng còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là thiếu đất sản xuất, điều này gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Để giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, lãnh đạo Vườn đã đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, cấp thêm đất sản xuất cho dân. Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn đã đưa vào thí điểm mô hình nuôi hưu lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần đa dạng sinh học. Tuy nhiên mô hình này cũng gặp không ít khó khăn vì vốn ban đầu lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Bến En