Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) từ thực tiễn

Mai Bắc|02/08/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến nhân dân, tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý... liên quan dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

4b387690.jpg
Sửa đổi Luật Đất đai 2013 là nhu cầu bức thiết từ cuộc sống

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; Việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; Khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; Suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng… Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; Giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; Việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết này đã đưa ra một số nội dung quan trọng, định hướng cho việc ban hành Luật Đất đai sửa đổi, đó là:

Thứ nhất, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ hai, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thứ ba, bỏ khung giá đất, xác định theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Ở nội dung này, mặc dù bỏ khung giá đất, nhưng vẫn giữ nguyên bảng giá đất do các địa phương ban hành và để giao dịch đất đai được minh bạch, công khai, quy định pháp luật phải thay đổi như sau: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt, xử lý nghiêm các vi phạm,…

Thứ tư, thu thuế cao hơn với người có nhiều đất nhà ở, đầu cơ đất chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Mặc dù, Nghị quyết 19 đã đề cập vấn đề đánh thuế người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Việc Nghị quyết 18 tiếp tục nhắc đến vấn đề này cho thấy đây là một yêu cầu, đòi hỏi tất yếu của thực tế xã hội.

Thứ năm, thương mại hóa quyền sử dụng đất gắn liền với cơ chế minh bạch trong xác định nghĩa vụ thuế. Nghị quyết 18 đã nêu rõ: “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ”. Như vậy, quyền sử dụng đất đã được khẳng định là một hàng hóa đặc biệt, được trao đổi, mua bán trên thị trường. Trong thời gian tới, Nhà nước phải có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Cùng với đó, có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Thứ sáu, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật có liên quan trong năm 2023, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất. Trước đây, sau khi thông qua Nghị quyết 19, Luật Đất đai 2003 đã được thay thế bằng Luật Đất đai 2013 và được áp dụng đến nay. Như vậy, khi Nghị quyết 18 định hướng cho việc chỉnh sửa Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác liên quan và khi Dự thảo Luật Đất đai được lấy ý kiến đầy đủ trong nhân dân, Quốc hội cần phải thỏa thuận, thông qua và ban hành Luật Đất đai 2023. Đồng thời, Quốc hội cũng phải tiến hành chỉnh sửa các luật khác có liên quan, như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,…

Việc lấy ý kiến Nhân dân góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - một dự án luật rất quan trọng. Luật Đất đai liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, mọi người dân và có thể coi như một đạo luật gốc trong vấn đề quản lý nhà nước về đất đai. Giải quyết đúng chính sách pháp luật đất đai không chỉ tạo môi trường ổn định, minh bạch, giải phóng được tiềm lực đất đai, mà còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững các quyền lợi chính đáng của người dân, đó chính là tiền đề để chúng ta có thể phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu của Đại hội XIII.

Thực hiện Kế hoạch số 676/KH-MTTW-BTT ngày 01/02/2023 của Ban Thường trực, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Căn cứ Quyết định số 120/QĐ- BTNMT ngày 30/1/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày 10/3/2023, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)”.

a4.jpg
Toạ đàm trực tuyến “Góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)” do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức vào ngày 10/3/2023

Các ý kiến trong buổi tọa đàm đã tập trung bàn về các quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến các vấn đề nóng về đất hiện nay như: Quy hoạch, giá đất, quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, đấu thầu đất công, bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ các Dự án nhà nước, những lợi ích phát sinh từ đất sau khi giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý của nhà nước trong lĩnh vực đất đai…

Việc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã diễn ra tâm huyết, trách nhiệm vì mục tiêu phát triển chung của đất nước. Việc tiếp thu phải đúng thực tiễn, thuyết phục, đúng nguyên tắc, đúng bản lĩnh, hết trách nhiệm và phải chắt lọc, bảo vệ cho được ý kiến đúng, phản bác những quan điểm sai trái. Kỳ vọng rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục hoàn thiện để khi ban hành trở thành đạo luật có những bước đột phá trong cơ chế quản lý, đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện và khai thông các nguồn lực cho đất nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) từ thực tiễn