Quảng Bình: Gìn giữ rừng dẻ để đón "lộc trời"

Minh Tâm|08/08/2023 18:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ những mảnh đất trống, đồi trọc, sau hơn 20 năm, cánh rừng dẻ dần tái sinh, phát triển tươi tốt và phủ xanh ngút ngàn. Cứ vào mùa dẻ trổ hạt và chín rộ, người dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch (Quảng Trạch) tranh thủ vào rừng nhặt hạt dẻ, công việc thời vụ này mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân địa phương.

"Mục sở thị" rừng dẻ tái sinh

Dưới thời tiết nắng chói chang của cái hè, phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống có chuyến tác nghiệp, theo chân những “người giữ rừng khám phá rừng dẻ tái sinh. Chuyến đi của phóng viên được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch và Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch.

5...jpg
Đoàn thực địa nắm lại tình hình vị trí rừng dẻ và lên phương án bảo vệ rừng

Từ sáng sớm, phóng viên cùng lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch và Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch có mặt tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch, để tập trung xuất phát. Trạm bảo vệ rừng này là 1 căn nhà nhỏ nằm trên sườn đồi, là nơi sinh hoạt của 6 cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ giữ rừng, bao gồm cả kiểm lâm viên.

Công tác chuẩn bị được các đồng chí bảo vệ rừng chuẩn bị chu đáo và tươm tất. Phương tiện di chuyển đưa đoàn đi mục sở thị rừng dẻ là xe gắn máy, đến đoạn xe máy không di chuyển được phải đi bộ hàng km.

Bắt đầu lên đường, đoàn chúng tôi phân chia người và phương tiện, lên xe máy men theo lối đường mòn dẫn vào rừng, con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chi chít ổ voi, ổ gà, nhiều đoạn dốc dựng đứng, thời thiết nắng nóng, bụi bay mù mịt.

Di chuyển chừng 5km, đến đoạn rừng dẻ tươi tốt, xanh bạt ngàn, đẩy xe máy sát bụi cây ven đường, chúng tôi men theo lối nhỏ dẫn sâu vào rừng, hướng đến khu vực tiểu khu 171A (địa phận xã Quảng Lưu). Do địa hình dốc cao, đường nhỏ và hiểm trở, chúng tôi phải luồn lách qua những bụi gai rậm rạp và vạt cây bụi cao quá đầu người, hai bên đường là những cây dẻ cao lớn, sần sùi, tán lá rộng.

9..-.jpg
Những cây dẻ sau 20 năm tái sinh nay tươi tốt, phủ xanh ngút, trổ hạt mang lại nguồn thu nhập cho người dân

Đi chừng hơn 1 tiếng, ai nấy đều thấm mệt. Trên một sườn đồi cao, dừng chân nghỉ ngơi, chúng tôi phóng tầm mắt ra chiêm ngưỡng rừng phòng hộ và ngỡ ngàng khi trước mắt là một cánh rừng dẻ ken dày đặc, cây cao lớn, tươi tốt, tán rộng và phủ xanh cả quả đồi. Thời điểm đoàn đi thực địa, dẻ vẫn chưa ra hoa và trổ hạt.

Nghỉ ngơi lúc thấm mệt, anh Lê Ngọc Duẩn – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Trạch chia sẻ, đơn vị được UBND tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 12.688,69 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, dàn trải trên địa bàn 7 xã của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Rừng phòng hộ Quảng Trạch có nhiều loại cây bản địa sống và sinh trưởng, nhưng phần lớn là cây dẻ, phân bố nhiều ở các vùng như xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Hợp.... "

6....jpg

Những cây dẻ sau 20 năm tái sinh nay tươi tốt, phủ xanh ngút, trổ hạt mang lại nguồn thu nhập cho người dân

Chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, anh Duẩn cho biết: "Thời tiết mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao, do đó công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được triển khai 24/24 tại đơn vị cũng như tại các trạm bảo vệ rừng. Thời gian này, đơn vị tăng cường bố trí lực lượng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, sẵn sàng ứng cứu, bảo vệ rừng từ gốc.

Hằng ngày, anh em ở đây phải căng mình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vào mùa khô, anh em tập trung làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng cháy, chữa cháy. Mùa mưa, công việc có phần nhẹ nhàng hơn nhưng lầy lội, vất vả” anh Lê Ngọc Duẩn nói thêm

Nhìn xa xăm vào những cây dẻ hồi sinh và phát triển tốt, anh Phạm Hồng Khánh – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch hồi tưởng, hơn 20 năm trước, khi cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người dân lên rừng chặt phá không thương tiếc, gỗ to thì đem bán, củi nhỏ dùng để đun, những dãy đồi cứ thế loang lổ, trọc lốc. Cũng từ đó, thiên tai, hạn hán lũ lượt kéo về, cuộc sống người dân đã khó khăn lại khó khăn bội phần.

Bằng sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chức năng và những người dân yêu rừng, có trách nhiệm với rừng, những năm 2000, lệnh đóng cửa rừng được thực hiện nghiêm ngặt. Từ đó – khu rừng dẻ dần được tái sinh và phát triển như ngày hôm nay” anh Phạm Hồng Khánh nói.

Nhặt hạt dẻ, nghề thời vụ mang thu nhập khủng

Nhờ giữ được rừng dẻ tái sinh, tình trạng hạn hán vào mùa khô, lũ lụt, ngập úng vào mùa thuyên giảm đi đáng kể. Rừng dẻ không những che chở, bảo vệ, tạo hành lang xanh cho người dân an cư, lập nghiệp mà còn mang lại nguồn lợi to lớn. Bên cạnh đó, khu rừng còn là nơi hội tụ hàng trăm loài động thực vật quý hiếm, góp phần to lớn vào sự đa dạng sinh học đang ngày càng bị thiếu hụt.

Cuộc sống của người người dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Tiến, Quảng Thạch khấm khá hơn bởi có nghề thời vụ là nhặt hạt dẻ, đem về nhập cho thương lái, thu về hàng triệu đồng mỗi ngày.

Cứ vào tháng 10, tháng 11 dương lịch hằng năm, mùa dẻ rụng, hàng trăm người dân các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch và các vùng lân cận lại vào rừng thu lượm hạt mỗi ngày. Hạt dẻ rừng nơi đây đặc biệt thơm bùi, vị ngọt thanh, nhân hạt chắc và có màu trắng tinh, mang hương thơm của núi rừng, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

img_20230805_114521-1-.jpg
Nghỉ ngơi lúc thấm mệt, anh em trong đoàn chia sẻ nhau những câu chuyện về rừng dẻ tái sinh

Anh Phạm Hồng Khánh - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quảng Trạch cho biết : “Vào mùa dẻ rụng, mỗi người dân vào rừng cũng lượm được chừng 2 – 3 tạ hạt. Thương lái thu mua cũng hơn chục triệu đồng. Tiền, vàng từ đó mà ra, con cái được học hành, đau ốm, bệnh tật có tiền để chữa trị, kinh tế gia đình trở nên khấm khá”.

Nói về công tác bảo vệ rừng của chủ rừng, anh Khánh cho biết thêm, để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt tại những nơi cảnh báo có nguy cơ cháy cao và rừng phòng hộ, ngay từ đầu năm 2023, Hạt Kiểm lâm Cùng với Ban Quản lý đã chủ động xây dựng đồng bộ nhiều giải pháp. Tập trung đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ phòng chống cháy rừng, tích cực tuần tra kiểm soát các hành vi, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, khuyến khích các cá nhân, tập thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ngập mặn.

Sau những câu chuyện tâm sự lúc nghỉ ngơi, đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình trong rừng. Kết thúc chuyến thực địa, phóng viên chia tay với những “người giữ rừng”. Có đi thực tế, trải nghiệm mới biết công lao gìn giữ và bảo vệ rừng dẻ của những cán bộ kiểm lâm và quần chúng nhân dân.

Nhờ ý thức người dân được nâng cao, nạn chặt phá rừng cũng như lấn chiếm rừng giảm đi đáng kể. Công tác tuyên tuyền bảo vệ rừng được chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước chú trọng. Rừng dẻ hôm nay là niềm tự hào của người dân bởi nó mang lại nguồn thu quý giá cho người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Gìn giữ rừng dẻ để đón "lộc trời"