Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu – Hướng phát triển kinh tế mới của nông dân vùng cao

Nguyễn Trường – Sơn Hà|23/07/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ lâu, tỉnh Thanh Hóa được xem là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung. Thêm nữa, bởi đất rộng, dân cư đông, Thanh Hóa còn là thị trường tiềm năng cho việc tiêu thụ các sản phẩm được chế biến từ cây dược liệu. Với những lợi thế kể trên, địa phương này đã, đang tập trung đẩy mạnh trồng cây dược liệu dưới tán rừng, góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, đời sống cho đồng bào vùng cao.

Nhiều tiềm năng, lợi thế…

mhinh-1.jpg
Vùng nguyên liệu bạc hà của HTX nông nghiệp sinh thái Vinaco tại huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có gần 1.000 loài cây dược liệu trong đó có khoảng 20 loài dược liệu quý như: Ba kích, Đinh lăng, Hòe, Hương nhu trắng, Sa nhân, Huyền sâm, Xuyên tâm liên, Nghệ vàng, Cà gai leo… , chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi, vùng cao.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, theo kết quả điều tra, ghi nhận được tổng số 590 loài cây dược liệu tự nhiên; đặc biệt, qua khảo sát có khoảng 20 loài cây thuốc quý hiếm, nguy cấp có tên trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam, năm 2007 như: Cây bảy lá một hoa, Lan kim tuyến đá vôi, Khôi tía...

Nhằm bảo tồn các loại cây dược liệu, những năm qua Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Pù Luông đã triển khai một số dự án, đề tài khoa học, như: Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa”; Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm Việt Nam tại hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa (2016-2020); Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thử nghiệm loài dược liệu La hán quả (Siraitia siamensis) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông”,…

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Luông, chia sẻ: “Các mô hình phát triển cây dược liệu này hứa hẹn sẽ mang đến hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng lợi thế của người dân nằm bên trong và vùng đệm của Khu BTTN Pù Luông. Giúp bà con cải thiện đời sống từ trồng cây dược liệu, chính là phương cách khả dĩ, hài hòa nhất để bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học”.

mhinh-22.jpg
Mô hình trồng sâm của người dân vùng cao Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, ngoài Khu BTTN Pù Luông thì Khu BTTN Xuân Liên cũng được biết đến là “thủ phủ” của cây dược liệu. Với đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, Khu BTTN Xuân Liên nổi tiếng với hệ động thực vật rừng phong phú và đa dạng, với các kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới đặc trưng cho miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây sở hữu hệ thống cây dược liệu quý hiếm với hàng trăm loài khác nhau, giàu tiềm năng kinh tế. Hiện, BQL Khu BTTN Xuân Liên đang tiếp tục triển khai các đề tài, dự án về bảo tồn, nhân rộng và phát triển cây dược liệu trên diện tích lớn với mục tiêu lấy đó làm cây chủ lực để người dân phát triển kinh tế. Có thể điểm tên một số đề tài, dự án điểm, mang nhiều kỳ vọng như: Đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu Na rừng (Kadsura coccinea (Lam) A. C. Smith) tại các tỉnh Bắc Trung Bộ” với việc xây dựng 1 ha vườn giống gốc, 1 ha trồng rừng tập trung và 3 ha trồng dưới tán rừng tự nhiên, mục tiêu là sản xuất dược liệu Na rừng đạt tiêu chuẩn cơ sở; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây Quế Ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”, theo Quyết định số 1747/QĐ-TTG ngày 13/10/2015 về việc Phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025”.

Nhân lên niềm hy vọng, mở ra hướng đi mới…

Cùng các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức xã hội, nhiều địa phương miền núi xứ Thanh đã, đang nỗ lực tận dụng lợi thế tự nhiên, đưa cây dược liệu vào quy hoạch vùng trồng. Những đổi thay này mang theo nhiều hi vọng về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các huyện miền núi Thanh Hóa, qua đó thay đổi thói quen canh tác nhỏ lẻ, tự phát, chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang các loại dược liệu có hiệu quả kinh tế, gắn với phát triển du lịch, ví như câu chuyện phát triển cây Sói rừng ở xã Thành Lâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

Cây sói rừng là loài dược liệu quý, được y dược hiện đại chứng minh có nhiều tác dụng dược lý: làm thuốc trị cảm cúm, ho lao, thuốc viêm não B truyền nhiễm, lỵ trực tràng, viêm ruột thừa cấp tính, mụn nhọt, đòn ngã tổn thương, gãy xương, đau lưng, gan,…

Xã Thành Lâm của huyện Bá Thước được nhận định là nơi lý tưởng cho cây Sói rừng phát triển với nhiều yếu tố thuận lợi, là vùng đệm của khu bảo tồn, sinh cảnh tốt, độ che phủ rừng cao, thổ nhưỡng, nhiệt độ, độ ẩm đều phù hợp. Theo lời PGS, TS Trần Ngọc Lâm, Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) chia sẻ, Sói rừng ở xã Thành Lâm có chất lượng rất tốt, có đầy đủ hoạt chất theo quy chuẩn (so với Sói rừng ở Lạng Sơn, Cao Bằng)

Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đất rừng cùng với kinh nghiệm về chế biến và sử dụng cây thảo dược tự nhiên của người dân xã Thành Lâm (Bá Thước), để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc bản địa - cây Sói rừng, tháng 7/2021, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP - GEF), Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức thực hiện Dự án "Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch ở cộng đồng người Thái tại xã Thành Lâm”. Mục tiêu của dự án là xây dựng vườn cây giống gốc Sói rừng năng suất, chất lượng từ 3.000 cây 3 - 4 năm tuổi, với diện tích trồng 0,25 ha. Đến nay, dự án đã thu hút được 100 hộ dân trồng trong vườn nhà, vườn rừng, với diện tích khoảng 72 ha.

mhinh-2.jpg
Mô hình nghiên cứu cây dược liệu tại Ban quản lý khu BTTN Pù Luông

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, cho biết: “Việc triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch cộng đồng người Thái, xã Thành Lâm” là rất cần thiết, không chỉ bảo tồn được loài cây thuốc bản địa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, bởi cây Sói rừng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây trồng phổ biến như: ngô, khoai, sắn,… Địa phương đang phấn đấu đưa nhiều hơn sản phẩm từ cây Sói rừng ra thị trường, không chỉ ở dạng sấy khô mà phải được chế biến một cách hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Có như vậy sản phẩm mới khẳng định được thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao”.

Đến thời điểm hiện tại, trồng cây dược liệu phát triển kinh tế không còn là câu chuyện dự báo hay kế hoạch tương lai ở Thanh Hóa nữa. Đã có một lộ trình rõ ràng cùng một chiến lược dài hạn để đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân vùng cao thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đó là Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025” được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vào tháng 12/2022. Đề án dự kiến phát huy được 33 đối tượng mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi; khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực miền núi; tạo sinh kế, việc làm cho khoảng 3.000 hộ gia đình khu vực miền núi của tỉnh; xây dựng thương hiệu và công nhận từ 11 sản phẩm OCOP trở lên.

Việc phát triển cây dược liệu không chỉ giúp bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, tương lai giống nòi. Hơn hết, sự phát triển ấy còn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, phát huy được tiềm năng lao động, đất đai, truyền thống và nguồn cây thuốc thế mạnh, làm nguyên liệu cho công nghiệp chiết xuất, chế biến dược liệu, hướng đến xuất khẩu, từ đó làm cơ sở quan trọng để thực hiện tốt chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, nhất là ở khu vực miền núi.

Tuy nhiên, việc phát triển trồng cây dược liệu ở tỉnh Thanh Hóa vẫn còn đó những trăn trở, như ở quy mô nhỏ, mang tính chất manh mún, thiếu sự đầu tư thâm canh. Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm sơ chế, chế biến từ dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thực trạng sản phẩm hàng hóa thiếu “đầu ra” bền vững, giá trị hàng hóa không ổn định cũng là những rào cản đối với phát triển cây dược liệu tỉnh Thanh Hóa. Thiết nghĩ, để dược liệu trở thành kinh tế mũi nhọn của các địa phương, tỉnh Thanh Hóa cần tạo sự liên kết 3 nhà: Nhà nông (người thu hái, trồng dược liệu) – Doanh nghiệp - Cơ quan Quản lý Nhà nước. Đó là điều kiện quyết định để tạo lập được một thị trường lành mạnh, thuận lợi cho việc phát huy tiềm năng dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư để phát triển dược liệu.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu – Hướng phát triển kinh tế mới của nông dân vùng cao