Quảng Nam: Cải thiện bữa ăn cho học sinh vùng cao huyện Nam Trà My từ mô hình “trồng cây dược liệu”

Chiến Thắng|07/03/2022 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ tháng 9/2016, UBND huyện Nam Trà My đã có chủ trương xây dựng và phát triển vườn dược liệu trong các trường học. Từ việc nhân rộng mô hình sẽ cải thiện đời sống cho những trường nội trú và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng và thủy văn phù hợp cho nhiều loài cây dược liệu quý nổi tiếng như sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là Sâm Việt Nam), Giảo cổ lam, Quế, Đẳng sâm, sâm Quy, Sa nhân tím, sâm Cau … phát triển. Vì vậy, việc giáo dục cho các em học sinh nhận biết từng loại dược liệu, giá trị, cách trồng và chế biến dược liệu thành những sản phẩm bồi bổ cho cơ thể; việc làm này rất cần thiết cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng đối với những em học sinh trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam luôn xem mỗi ngày tới trường là một niềm hạnh phúc.

Đời sống còn thiếu thốn đủ thứ

Xã Trà Nam (huyện Nam Trà My) hiện có 04 thôn với 11 khu dân cư sống rải rác tại các triền núi trên địa bàn. Do địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và hạ tầng chưa phát triển nên việc đi lại cũng như đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi, đây cũng là địa phương có trên 97% hộ dân là đồng bào dân tộc Xơ Đăng nên việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn, trong đó có giáo dục luôn là thách thức, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề của địa phương.

Xã Trà Nam được xem là một trong những xã nghèo nhất của huyện Nam Trà My khi đa số người dân sinh sống ở đây là người đồng bào Xơ đăng. Công việc chính của người dân nơi đây chủ yếu làm nông, làm rẫy, trồng keo nên thu nhập rất bấp bênh. Chính vì vậy nhiều em học sinh ngoài việc đến trường còn phải gánh vác trên vai công việc mà khi nghĩ tới người ta chỉ biết đó là công việc của cho người lớn chứ không phải dành cho những đứa trẻ cấp 1, cấp 2 như phụ làm keo cho gia đình, đi lên rẫy, gánh củi,….

Đa phần học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Trà Nam có hoàn cảnh khó khăn. Dù nhiều em học sinh phải đi trên những con đường núi mất cả tiếng đồng hồ để tới trường nhưng các em đều cố gắng để tới trường, nhìn vào mắt của các em luôn có sự hy vọng cho một tương lai tươi sáng khi tổng số học sinh tới trường luôn đạt gần 100% trong cả tuần.

Những bữa ăn của các em luôn được đảm bảo đủ no, đủ chất dinh dưỡng

Trò chuyện cùng thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Trà Nam mới hiểu rõ được những vất vả và khó khăn của những em học sinh nơi đây. Thầy Chín chia sẻ: “Nhiều em học sinh của trường phải vượt hàng tiếng đồng hồ qua những con đèo, dốc núi để đến trường. Có những ngày các em đi học nhưng khi tới trường quần áo bị ướt hết không có đồ phòng bị để thay thì các thầy cô cũng phải giúp các em. Bữa ăn các em được phụ cấp từ nhà nước mỗi ngày được gần 20 ngàn, thầy cô phải cố gắng vận động hơn ở nhiều gia đình để có cho các em 3 bữa ăn đầy đủ, dinh dưỡng để đảm bảo cho các em phát triển thể chất và việc học tập thuận lợi. Thầy cô luôn cố gắng để sử dụng nguồn kinh phí hợp lý như mua sắm áo quần đồng phục, sắm sửa trang thiết bị cá nhân cho từng em, trang bị sách vở cặp, bút, văn phòng phẩm để không một em nào đi học phải thiếu đồ dùng học tập. Đa số phụ huynh của trường đều làm nông, làm keo, làm rẫy, chỉ có một số ít trồng dược liệu có đời sống đầy đủ hơn, còn lại đều rất thiếu thốn. Vì thế mà nhiều gia đình gửi con lên đây học để có cái ăn, cái mặc, cuộc sống tốt hơn cho các em. Cũng vì thế mà tỉ lệ đi học của các em luôn đạt tỉ lệ cao tốp đầu của huyện Nam Trà My”.

Những túi quần áo đồng phục miễn phí được thầy cô chắt chiu trong mỗi suất ăn đang được chuyển tới tay của từng em học sinh.

Bước tiến từ khi sáp nhập trường

Từ tháng 9/2020, sự nghiệp giáo dục tại Trà Nam bắt đầu có những đổi mới nhờ những quyết định, giải pháp hết sức thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, được ngành Giáo dục huyện và chính quyền xã quan tâm hỗ trợ, quyết tâm chỉ đạo thực hiện.

Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Nam trao đổi về mô hình cây thảo dược.

Nói về bước chuyển mới này, thầy giáo Võ Đăng Chín cho biết: “Bước ngặt quan trọng đầu tiên phải nhắc đến chính là sự sáp nhập hai trường: Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Trà Nam và Phổ thông dân tộc bán trú Trung học sơ sở (PTDNBT THCS) Trà Nam thành một trường mang tên trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam như hiện nay kể từ ngày 01/9/2020. Cùng với việc sác nhập này, các điểm trường ở các thôn, khu dân cư cũng được xóa bỏ, chuyển về cơ sở chính duy nhất là Trường PTDTBTTH&THCS Trà Nam đặt ở trung tâm xã”.

“Với bước chuyển đổi đó, công tác quản lý và tổ chức dạy và học diễn ra hết sức thuận lợi, tiết kiệm và tranh thủ được nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất. Đặc biệt, học sinh về học nội trú (dù trường mang tên bán trú-PV) tại Trường không những giúp các em an toàn do không phải lội rừng, vượt đồi núi đến trường rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão; mặt khác, khi các em ở lại trường, giáo viên có điều kiện kèm cặp, bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức nên chất lượng học tập ngày càng tiến bộ” – thầy Võ Đăng Chín cho hay.

Ngoài ra, cũng theo thầy Chín, nhờ việc sáp nhập hai trường PTDTBT TH Trà Nam và PTDTBT THCS Trà Nam nên số phòng học từ trường PTDTBT TH Trà Nam cũ được nới rộng, nhà trường đã tận dụng cải tạo, chuyển đổi công năng thành phòng nghỉ, phòng ăn, sinh hoạt và vui chơi giải trí cho học sinh cũng như giáo viên, qua đó đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò.

Thầy Chín dẫn học sinh tới Phiên chợ sâm Ngọc Linh để có thể chứng kiến tận mắt, tận tay sản vật này trong một hoạt động ngoại khóa được nhà trường tổ chức.

Xây dựng một mô hình trồng và bảo vệ cây ăn quả, cây dược liệu

Trong nhiều năm qua, vào dịp đầu xuân, trường và Công đoàn trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam thường xuyên phối hợp tổ chức phát động “Tết trồng cây”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” “Trường học hạnh phúc”. Việc làm không chỉ góp phần tạo cảnh quan trường học ngày càng xanh – sạch – đẹp mà còn là điều kiện để xây dựng trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam đạt chuẩn quốc gia vào năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động này còn có ý nghĩa giáo dục cho các em học sinh tinh thần hăng say trong lao động, ý thức trong việc chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường. Tương lai có thể là nguồn tài chính phục vụ cho các em học sinh, giúp phần củng cố cho những bữa ăn, cuộc sống cho các em sau này.

Các em học sinh trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam làm đất để trồng cây trong chương trình Tết trồng cây phát động hồi đầu năm.

Từ đầu năm 2022, trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam đã phát động chương trình “Tết trồng cây” thường niên. Trong đợt phát động trồng cây, cán bộ, giáo viên, nhân viên trường đã trồng 50 cây Cau, 15 cây Mít thái, 500 cây quế và 100 cây Sa nhân tím. Các em học sinh trồng tổng cộng 70 cây chuối và chăm sóc vườn dược liệu của trường.

Ngoài những chương trình phát động trồng cây hàng năm, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường. Song song với việc học tập, các em học sinh ở trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam còn được tiếp cận nhiều hoạt động ngoại khóa như: Tổ chức xem phim về hình thành kĩ năng mềm, nghiên cứu môi trường địa phương, tổ chức tham quan về môi trường vườn dược liệu, tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng mềm và môi trường địa phương theo chế độ thường xuyên hay định kỳ…giúp cho các em hiểu thêm được tầm quan trọng và công dụng của mỗi loại cây dược liệu trên địa phương. Mỗi hoạt động ngoại khóa tuy đều cần thời gian và công sức để xây dựng kế hoạch, nội dung nhưng thầy cô giáo trong trường đều cố gắng mong giúp các em học sinh có tình yêu thiên nhiên và môi trường sống xung quanh.

Những cây được trồng được phân loại thành từng khu, có bảng tên và ảnh để học sinh nhận biết được từng loại cây thảo dược.

Thầy Võ Đăng Chín chia sẻ: “Bản thân mình cách đây vài năm đã đề ra sáng kiến trồng cây dược liệu trong trường học và kiến nghị phương pháp này cho địa phương nhằm để các em có nhiều thời gian tiếp cận thêm về một kho tàng được xem là bảo vật của Nam Trà My, đó là những loại cây dược liệu. Từ lúc làm Hiệu trưởng của trường, tôi luôn trăn trở phải làm những gì để các em vừa có thể học lại vừa có lợi cho tương lai của các em, và từ đó mô hình này đã được đưa vào thí điểm tại trường trong vài năm trở lại đây. Với tôi giúp các em hiểu từ sớm về giá trị của các loại cây dược liệu quý của địa phương sẽ là những cơ hội để xây dựng nhận thức lâu dài cho các em, để ý thức trở thành hệ tư tưởng cho các em. Kể cả sau này không còn học ở trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam nữa các em vẫn còn đó những tình yêu dành cho ngôi trường, tình yêu cho thiên nhiên và môi trường”.

Tuy rằng đây là một mô hình rất mới đòi hỏi cả thầy và trò trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam phải tự mình chứng nghiệm, nhưng những sáng kiến đổi mới này đã chứng minh rằng “Sáng tạo không bao giờ thừa”. Hy vọng đây sẽ là bàn đạp để tương lai của những em học sinh vùng cao huyện Nam Trà My thêm tươi sáng.

Chiến Thắng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Cải thiện bữa ăn cho học sinh vùng cao huyện Nam Trà My từ mô hình “trồng cây dược liệu”