Quảng Nam: Huyện Nam Trà My xây dựng kinh tế từ định hướng “phủ xanh”

Chiến Thắng|06/03/2022 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Huyện Nam Trà My đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế lấy mũi nhọn từ hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp.

Đây là lời khẳng định của ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My tại buổi gặp gỡ báo chí đầu xuân Nhâm Dần diễn ra sáng ngày 1/3.

Đồng chí Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My trong buổi gặp gỡ báo chí đầu xuân Nhâm Dần 2022.

Buổi gặp gỡ có đồng chí Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và nhiều cơ quan báo chí khu vực miền Trung tề tựu.

Với phương hướng, lấy những loại cây dược liệu đặc trưng của vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Nam làm chủ lực, huyện Nam Trà My luôn cố gắng để đưa cây dược liệu đi đôi với việc phát triển những lĩnh vực khác như: Sản xuất – Lâm nghiệp, Du lịch – Dịch vụ, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, tài chính tiêu dùng,….

Những con số nói lên sự cố gắng

Hai năm qua cũng là thời điểm khó khăn về mọi mặt của huyện Nam Trà My, dù vậy ngành nông nghiệp của địa phương vẫn phát triển ổn định với phương châm “Có thực mới vực được đạo”. Đồng chí Trần Duy Dũng đánh giá những hoạt động đã và đang triển khai trong 2 năm từ 2020-2021 cụ thể trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp:

Các chỉ tiêu sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi đảm bảo cơ bản kế hoạch của huyện đề ra. Tình hình dịch bệnh như dịch tả lợn Châu Phi, dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò được kiểm soát và khống chế kịp thời. Tổng sản lượng cây lương thực là 5.377,08 tấn, đạt 97,64% so với Nghị quyết huyện đề ra.

Huyện đã chuyển đổi được 66,50 ha đất lúa rẫy sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, xoài, cam, bưởi, măng cụt và chủ yếu là chuối mốc địa phương.

Tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây dược liệu; trong năm đã trồng mới 51,2 ha các loại cây dược liệu ngoài sâm Ngọc Linh, quế – Nâng tổng diện tích các cây dược liệu toàn huyện lên 417,2 ha.

Sâm Ngọc Linh được xem là cây thảo dược chủ lực của huyện Nam Trà My

Về sâm Ngọc Linh: Trong năm đã trồng mới 21ha sâm Ngọc Linh, đạt 105%. Tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh đến thời điểm này là: 1.650 ha trên địa bàn 07 xã trong vùng quy hoạch.

Công tác trồng và phát triển rừng được chú trọng, trong năm đã trồng được trên 1.555,57ha rừng – đạt 103,7% so với Nghị quyết (trong đó quế là 1.201,77 ha – đạt 120,17%).

Năm qua, địa phương đã duy trì và tổ chức thành công các Phiên chợ Sâm Ngọc Linh hằng tháng theo hình thức online, tạo động lực cho công tác xây dựng quảng bá số đối với những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Đã có 8 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP).

Muốn đi nhanh – Phải đứng vững

Từ thực tế của địa phương, ôngí Trần Duy Dũng cũng nêu lên những nhiệm vụ chính mà huyện Nam Trà My sẽ thực hiện và kỳ vọng như: Xác định hướng phát triển kinh tế chính của huyện vẫn là trồng, phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My. Đi đôi với đó là làm tốt công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với tinh thần hết sức chủ động, linh hoạt và không chủ quan.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của huyện; tiếp tục đầu tư hạ tầng kết nối, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, nhất là vào lĩnh vực chế biến các loại nông sản – dược liệu; phát triển thương mại – du lịch.

Triển khai thực hiện tốt việc chuyển đổi số; Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, gắn với việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2026.

“Chiến dịch xanh” được thầy trò trường THCS Trà Mai xây dựng nhằm tăng diện tích phủ xanh của khu vực miền núi Quảng Nam

Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, triển khai tổng thể các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, mà trọng tâm là phòng trào “3 cán bộ công chức giúp 1 hộ nghèo”.

Tiếp tục tổ chức tốt các Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hằng tháng và Tổ chức thành công Lễ hội sâm Ngọc Linh vào tháng 8/2022, đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Chương trình Năm du lịch quốc gia năm 2022

Ông Trần Duy Dũng cũng cho biết những bước đi của địa phương được tìm hiểu rất kỹ và hiệu quả sau khi thử nghiệm rất khả quan, không phải là mô hình tự phát không có cơ sở khoa học. Vì cũng là một địa phương nghèo nên những bước đi trong định hướng phát triển kinh tế được xem là cực kỳ quan trọng, một phương án càng có ít phép thử càng tốt.

Để có được những thành công đó cũng nhờ một phần từ sự chung tay, nỗ lực góp sức của toàn dân trong huyện, có những con người tiêu biểu dám làm, dám thực hiện những mục tiêu chung của xã hội, ông Dũng bày tỏ.

Từ mô hình xây dựng thành chiến dịch

Với nhiều nơi, đề ra chính sách là điều khó nhưng để người dân có thể thực hiện nó lại khó khăn gấp nhiều lần, thấu hiểu được điều đó nên những cán bộ Đảng viên luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu và hướng dẫn nhân dân thực hiện những chính sách mà Nhà nước, địa phương đề ra.

Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 khi học sinh từ các thôn, bản trở lại trường học tập sau những ngày nghỉ Tết. Các trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My tổ chức hoạt động “ Chiến dịch trồng cây xanh” theo sự chỉ đạo của Phòng giáo dục và Đào tạo huyện. Các đơn vị trường học đã xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các loại cây giống để phát động cho học sinh trong nhà trường thực hiện. Hoạt động này nhằm giáo dục cho học sinh về ý nghĩa của việc trồng cây xanh và các em là những tuyên truyền viên về tuyên truyền cho cha mẹ, bà con ở các thôn, bản nâng cao ý thứ bảo vệ rừng để thực hiện tốt chủ trưởng của Nhà nước cũng như của địa phương.

Các em học sinh vừa cần mẫn trồng cây, vừa tuân thủ thực hiện chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng trường THCS Trà Mai cho biết: “Phong trào trồng cây hằng năm hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ được ngành giáo dục và các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My thực hiện có hiệu quả. Chúng tôi đang xây dựng và hướng tới tổ chức chiến dịch này thường xuyên và bài bản hơn để có thể nâng cao tinh thần bảo vệ thiên nhiên, yêu môi trường sống xung quanh các em học sinh, cùng các bậc phụ huynh”.

Được biết, đầu năm 2022 học sinh nhà trường đã trồng được 100 cây dổi xanh và 20 cây Sa Nhân tím và toàn ngành giáo dục trồng hơn 3000 cây xanh ở các trường học. Mong muốn của thầy trò trường THCS Trà Mai chính là được địa phương giao cho một diện tích đất rừng để hằng năm tổ chức cho học sinh trồng và chăm sóc, để việc giáo dục cho học sinh về việc trồng cây gây rừng đạt được hiệu quả cao hơn.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp cũng là tấm gương trong công tác hiến đất để trồng cây của địa phương, vào thời điểm những năm 2005-2010 thì thầy đã hiến một phần đất của gia đình cho công cuộc phát triển xã hội.

Chiến Thắng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Huyện Nam Trà My xây dựng kinh tế từ định hướng “phủ xanh”