Thanh Hóa: Hàng trăm hộ dân “kêu trời” vì các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm

22/02/2017 12:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) –

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống ven sông Nhơm, đoạn qua xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đang phải oằn mình sống trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do hoạt động xả thải vô tội vạ từ các cơ sở tái chế bao bì tại địa phương…

Từ cơ sở nhỏ, lẻ … xả thải..

Hiện nay, trên địa bàn xã Thái Hòa có khoảng 15 hộ gia đình hoạt động nghề tái chế, giặt là bao bì. Đây là nghề đem lại thu nhập kinh tế cao nên những năm qua số cơ sở hoạt động ngày một gia tăng. Tuy nhiên, cũng chính các cơ sở này lại là nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương. Mỗi ngày, có hàng trăm mét khối nước thải từ các cơ sở tái chế bao bì xả trực tiếp xuống dòng sông Nhơm. Đã nhiều lần người dân kiến nghị đến cơ quan chức năng nhưng đến nay tình trạng này vẫn ngang nhiên tái diễn.

1Nước thải đen kịt chưa qua xử lý được các cơ sở xả trực tiếp xuống lòng sông Nhơm.

Theo quan sát của Phóng viên, hầu hết các cơ sở tại đây đều mang tính chất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Chỉ cần một chiếc máy thô sơ với giá khoảng 30 -50 triệu đồng cùng một vài nhân công là có thể hoạt động. Chính vì lẽ đó mà đa phần các cơ sở đều không có hệ thống xử lý nước thải, không bảo hộ lao động, hoạt động không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

2Một góc cận cảnh nước thải tại cơ sở tái chế bao bì.

Anh L. V. Q (một hộ dân sống tại đây) chia sẻ: “Tình trạng này đã mấy năm qua mà vẫn chưa được giải quyết. Nước thải đổ trực tiếp xuống sông Nhơm nên nước sông bây giờ ô nhiễm quá rồi. Thậm chí còn ngấm cả vào lòng đất khiến nước giếng khoan cũng vì thế mà ô nhiễm. Trước kia chỉ khoan chừng hơn 2m là có thể dùng được nước. Nhưng bây giờ nước ô nhiễm quá nên phải lọc qua thì mới sử dụng được.”

3Đây là một khu vực bể lắng thô sơ của cơ sở tái chế bao bì tại xã Thái Hòa.

Được biết, các cơ sở giặt là này chủ yếu nằm ở các thôn như Thái Lai, Thái Yên, Thái Phong, Thái Nhân… Cũng nhiều lần chính quyền địa phương vào cuộc và tìm giải pháp khắc phục nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi giặt là xong, nước thải tại đây được thải trực tiếp xuống sông Nhơm. Từng dòng nước thải đen đặc, sặc sụa mùi hôi thối khiến dòng sông đang bị “bức tử” nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, cho biết: “Nhiều lần chúng tôi xuống kiểm tra và lập biên bản đối với các cơ sở này nhưng được thời gian sau lại tiếp tục tái diễn. Do đây là các cơ sở nhỏ lẻ hộ gia đình nên rất khó xử lý. Nhiều lần còn cắt cả điện để không cho hoạt động. Chúng tôi  cũng đã có dự kiến quy hoạch các cơ sở này lại một khu riêng nằm cách xa khu dân cư nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn như: khâu giải phóng mặt bằng, giao thông đi lại, vốn đầu tư… Vậy nên hiện chúng tôi vẫn đang rất khó khăn trong công tác xử lý.”

Đến… công ty không phép gây ô nhiễm?

Theo tìm hiểu của PV Moitruong.net.vn, hiện nay, trên địa bàn xã Thái Hòa có Công ty THHH sản xuất bao bì Thái Yên cũng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường từ hoạt động tái chế bao bì. Qua tìm hiểu được biết công ty này trước kia chủ yếu hoạt động sản xuất nghề Dệt, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây phía công ty đã tự ý mở rộng hình thức kinh doanh bằng việc mở thêm hoạt động tái chế bao bì.

4Mặc dù chưa có phép hoạt động nhưng Công ty TNHH sản xuất bao bì Thái Yên vẫn ngang nhiên tái chế bao bì.

Như phản ánh của người dân cho biết, công ty Thái Yên hoạt động trên địa bàn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân nơi đây. Mùi hôi thối, nước xả thải gây ô nhiễm là những gì người dân nơi đây đang ngày ngày phải hứng chịu. “Không chỉ xả thải trộm xuống lòng sông, mà chính ống khói ở lò đốt của công ty cũng gây khó chịu. Mỗi lần công ty đốt lò, theo chiều gió lùa vào nhà dân khó chịu lắm, mùi khét gây khó thở nữa…” Một người dân cho hay.

Điều đáng nói, tình trạng trên xảy ra đã nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Liệu chăng, chính quyền địa phương nơi đây đang có những biểu hiện thờ ơ, phớt lờ trước những sai phạm mà công ty vẫn đang tái diễn..?

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với chính quyền địa phương. Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Xuân – Phó phòng TNMT huyện Triệu Sơn, cho hay: “ Trước kia, công ty Thái Yên được phép kinh doanh với hoạt động nghề Dệt. Việc hoạt động nghề Dệt được phía huyện hết sức ủng hộ vì đây là nghề mới tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Thế nhưng, khoảng 2 năm qua phía công ty mở rộng thêm nghề giặt là bao bì. Vừa qua, phía công ty có trình bản đề án đánh giá tác động môi trường, nhưng sau khi về cơ sở thẩm định thì chúng tôi xét thấy chưa đảm bảo đúng như báo cáo nên đã yêu cầu phía công ty cần hoàn tất thủ tục mới được tiếp tục hoạt động.”

“Hiện công ty mới được phép kinh doanh nghề Dệt chứ chưa có bất cứ giấy tờ nào cho phép hoạt động giặt và tái chế bao bì. Phía công ty hoạt động việc tái chế trong vòng gần 2 năm qua là sai quy định. Thời gian tới chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra và sẽ thông báo cụ thể để yêu cầu công ty dừng hoạt động. Còn đối với các hộ gia đình tự phát hoạt động giặt là gây ô nhiễm, trong tháng 3 tới chúng tôi cũng tiến hành xử lý triệt để.” Bà Xuân nói thêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Thanh Tùng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Hàng trăm hộ dân “kêu trời” vì các cơ sở tái chế bao bì gây ô nhiễm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.