Thanh Hóa: Mưa lớn gây ngập nhiều nơi, 1 người mất tích

Nguyễn Trường|27/09/2023 15:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo thống kê ban đầu, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khiến 1 người mất tích, đồng thời gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương.

Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên đêm qua và ngày hôm nay (27/9) ở khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa đến mưa rất to.

Lượng mưa đo được tại các trạm tính từ 07h ngày 25/9 đến 01h ngày 27/9 phổ biến từ 92-139 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: thủy văn Ngọc Trà (Quảng Xương) 168 mm, thủy văn Lèn (Hà Trung) 166 mm, thủy văn Cửa Đạt (Thường Xuân) 139 mm, khí tượng Nga Sơn 133 mm, khí tượng Tĩnh Gia (Nghi Sơn) 132,3 mm, thủy văn Bái Thượng (Thọ Xuân) 134 mm, thủy văn Xuân Vinh (Thọ Xuân) 118 mm, thủy văn Lý Nhân (Yên Định) 122 mm, thủy văn Kim Tân (Thạch Thành) 108 mm, đo mưa Ngọc Lặc 107 mm, khí tượng Thanh Hóa 98 mm, khí tượng Sầm Sơn 97 mm.

Dự báo từ hôm nay (27/9) đến ngày 28/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, mưa to tập trung vào ngày 27/9; lượng mưa phổ biến ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc từ 30-60 mm, có nơi trên 80 mm, khu vực đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam, Tây Nam từ 50-100 mm, có nơi trên 120 mm.

Tại TP Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài suốt từ sáng sớm đã khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn

anh-1.jpg
Mưa lớn khiến nhiều ô tô, xe máy bị ngập trong nước
anh-2.jpg
Tuyến đường Đại lộ Lê Lợi đoạn qua ngã tư Bưu điện tỉnh Thanh Hóa bị ngập sâu, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn
anh-3.jpg
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Tân Sơn (TP Thanh Hóa), nước ngập sâu vào trong sân trường

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tính đến 8 giờ ngày 27/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (từ ngày 25/9 đến 27/9), trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc có 98,3ha cây trồng vụ Đông bị ngập úng; tình trạng sạt lở dọc bãi sông Mã đoạn qua thôn Nghĩa Kỳ, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa vẫn tiếp diễn. Hiện chính quyền địa phương đã chằng dây, lắp biển cảnh báo, chèn bao đất gia cố bờ sông...

anh-4.jpg
 Huyện Vĩnh Lộc đang phải thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân trước vấn đề mưa lũ và sạt lở dọc bờ sông Mã

Tại huyện Như Xuân, mưa xối xả từ đêm hôm qua khiến nhiều đoạn đường trên địa bàn bị chia cắt, một số thôn bị cô lập. Thông tin từ UBND xã Bình Lương (Như Xuân), cho biết: Hiện trên địa bàn có một trường hợp là ông Cao Ngọc Trường ở thôn Quang Trung đi bắt cá tối 26-9 trên các đoạn sông thôn Làng Mài. Sáng 27-9 gia đình mất liên lạc với ông Trường và nghi bị nước cuốn trôi. Cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tổ chức lực lượng đi dọc sông Hân để tìm kiếm người mất tích.

anh-5.jpg
Ngập gây tắc đường Tràn Ná Cà 2Km 23+600/ĐT.520B xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân

Tại huyện Lang Chánh, do mưa lớn kèo dài, những điểm thường xuyên bị ngập lụt trên địa bàn huyện như tràn Suối Mòng xã Tân Phúc; tràn suối Lưỡi khu Phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh... mực nước đang dâng cao, ảnh hưởng đến giao thông. Hiện mực nước qua tràn Suối Mòng đã vượt qua tràn chừng 40 cm, chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để cấm các loại phương tiện và người dân qua lại.

anh-6.jpg
Lực lượng chức năng trực, cấm các phương tiện qua tràn Suối Mòng, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh

Tại huyện Thường Xuân, mưa lớn đã làm ngập nhiều diện tích cây nông nghiệp tại các xã Thọ Thanh, Xuân Dương, Lương Sơn, Luận Thành... Nước dâng cao cũng làm ngập tràn Hón Dụ xã Luận Khê, tràn Hàng Cáu xã Vạn Xuân, tràn Nàng xã Tân Thành, tràn thôn Khoong xã Yên Nhân... gây cô lập một số xã và thôn trong huyện.

Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Thường Xuân đang chỉ đạo cho thành viên trong đơn vị xuống cơ sở nắm bắt và chỉ đạo cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống thiên tai, bố trí lực lượng trực 24/24 nhằm giảm thiểu thiệt hại gây ra...

anh-7(1).jpg
Nước ngập qua tràn sông Nhồng, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sáng 27/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 14417/UBND-NN về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung các Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh: số 07/CĐ-UBND ngày 14/7/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; số 10/CĐ-UBND ngày 17/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Triển khai phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực đô thị, khu công nghiệp, vùng trũng thấp; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn khu vực miền núi, không để xảy ra lũ nghẽn dòng.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn.

Tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

anh-8.jpg
Nhiều thôn ở khu vực miền núi Thanh Hóa đã bị cô lập do mưa lũ

Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố; thực hiện việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo quy định.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành liên quan. Các Sở, ngành, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lớn theo quy định; đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để phối hợp, h trợ các địa phương, đơn vị liên quan khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Mưa lớn gây ngập nhiều nơi, 1 người mất tích