Thanh Hóa: Triển khai chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo
Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên để phát triển ngành kinh tế biển và khu vực ven biển.
Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:
Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên để phát triển ngành kinh tế biển và khu vực ven biển. Giai đoạn 2023 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng tại các điểm du lịch, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 02 dự án, chấm dứt hoạt động 03 dự án. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 56 dự án đầu tư kinh doanh du lịch biển đang triển khai thực hiện, trong đó có các dự án du lịch với hệ thống dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế, như: Khu du lịch sinh thái và đô thị nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Flamimgo Linh Trường...
.png)
Từ năm 2023 đến nay, tổng số khách du lịch đến Thanh Hóa ước đạt 38,3 triệu lượt (trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,64 triệu lượt), tổng thu từ du lịch ước đạt 84.684 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2023 đến nay, khu vực vùng ven biển trên địa bàn tỉnh thu hút được 41 dự án đầu tư trực tiếp (34 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.894 tỷ đồng và 07 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 99,2 triệu USD). Các dự án được thu hút đầu tư cơ bản đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường, sinh thái biển.
Cùng với đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tỉnh chú trọng, ngoài các biện pháp khác, Thanh Hóa đã tích cực vận động, tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản xa bờ, giảm khai thác ven bờ hủy hoại nguồn lợi thủy sản, chuyển một bộ phận lao động khai thác hải sản ven bờ sang hoạt động các ngành nghề khác, như: Du lịch, nuôi trồng thủy sản,...
Đến nay, Thanh Hóa đã thành lập được 389 tổ đoàn kết trên biển với 1.083 tàu cá và 14.294 lao động tham gia. Hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho 1.410 tàu với tổng kinh phí 3,881 tỉ đồng.
Việc kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 41 kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các kho, cảng, các cơ sở kinh doanh, vận chuyển xăng dầu có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu trên biển. Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của 182 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 1.296 lần với 6.476 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, kiểm soát được 25.707 lượt tàu cá/151.673 lao động, phát hiện, xử lý 232 vụ/232 phương tiện, 232 đối tượng vi phạm quy định trong lĩnh vực thủy sản và khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Bên cạnh đó, nhắc nhở, cảnh báo không cho xuất bến 372 phương tiện không đảm bảo thủ tục giấy tờ và bảo đảm an toàn hàng hải, cứu sinh, cứu nạn...