(Moitruong.net.vn) – Biển Chết là địa danh thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, tuy nhiên trong những năm gần đây do thiếu nguồn nước nên chúng đang thực sự “chết”.
Biển Chết đang “chết” thật sự. Ảnh: Reuters
Biển Chết hay còn gọi là biển Muối tọa lạc ở vị trí phân tách Israel và Jordan. Tên gọi của nó bắt nguồn từ việc hàm lượng muối cực cao trong nước (gấp gần 10 lần độ mặn của các đại dương) khiến cá và thực vật không thể sống được trong đó.
Nơi đây đã trở thành địa danh hút khách du lịch suốt hàng ngàn năm qua vì nước biển cực mặn khiến người tắm không bao giờ chìm và được cho là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy có tên gọi là Biển Chết nhưng Biển Chết không phải là biển thực sự, mà chỉ là một cái hồ không có đường ra, nhận nước đổ vào từ một số con sông. Bề mặt biển và các bãi biển nằm thấp hơn mực nước biển tới 429 mét, khiến nó trở thành vùng đất có độ cao thấp nhất trên thế giới. Với độ sâu 304 mét, biển Chết cũng là hồ siêu mặn sâu nhất trên thế giới.
Các chuyên gia đã tiến hành việc đo đạc mực nước biển Chết lần đầu tiên vào năm 1927. Kể từ đó, mực nước biển này liên tục sụt giảm.
Việc giám sát mực nước biển hiện do Viện Địa chất Israel phụ trách. Cơ quan này đã sử dụng một phao nghiên cứu nhỏ, trôi nổi ở giữa biển để đo độ sâu.
Các chuyên gia ước tính rằng, mực nước biển Chết đã giảm hơn 40 mét kể từ những năm 1950. Sự suy giảm này được cho là do sự mất cân bằng giữa lượng nước đổ vào và chảy ra khỏi biển. Cụ thể là, biển Chết bị thất thoát nước nhiều hơn lượng nước nhận được do sự bù đắp từ sông Jordan.
Nguyên nhân do sự cạn kiệt dòng nước của con sông Jordan, dân cư sử dụng nguồn nước để sinh hoạt và trồng trọt. Hơn thế nữa, việc khai thác khoáng sản tại khu vực còn làm cho tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Trong số 700–800 triệu m3 nước bị mất mỗi năm, thì có 250–350 triệu m3 nước mất do khai thác khoáng sản từ Biển.
Chính phủ Israel đang đề ra phương án can thiệp nhằm “hồi sinh” Biển Chết. Họ tìm cách tái đấu thầu quyền đặc nhượng khai thác từ nhà máy khoáng sản Dead Sea Works, thuộc sở hữu của Công ty Hóa chất Israel (ICL). Biển Chết là tài sản cốt lõi của ICL, công ty hiện đang khai thác để sản xuất phân bón, chất chống cháy và một số sản phẩm khác có giá trị hàng tỷ USD trên toàn thế giới.
Công ty này hiện đang giữ quyền khai thác đến năm 2030. Trước khi hợp đồng hiện tại chấm dứt, Israel muốn tái đấu thầu khai thác Biển Chết sớm hơn 8 năm, tức vào năm 2022. Việc tái đấu thầu không chỉ bắt nguồn từ những mối quan tâm đến môi trường, mà còn từ những lo ngại rằng ICL sẽ tiếp tục các kế hoạch đầu tư mới ở những năm cuối của hợp đồng.
Hiện tại chính phủ Israel lạc quan tin rằng ICL sẽ hợp tác trong thỏa thuận nhượng bộ này.
Ngọc Lan (T/H)