– Nhờ máy in, ngày nay thợ làm hàng mã không còn phải dày công vẽ màu cho đồ ông Công ông Táo như trước. Với mức giá sản phẩm trên dưới 50.000 đồng, người thợ cắt dán được khoảng 100 bộ mỗi ngày.
Dịp Tết năm nay, cơ sở sản xuất hàng mã của anh Trần Văn Hải (Chương Mỹ, Hà Nội) đã cho ra lò hàng nghìn sản phẩm các loại, trong đó riêng đồ cúng ông Công ông Táo khoảng gần 3.000 bộ.
Anh Hải theo nghề làm vàng mã được hơn 5 năm, anh cho hay nghề này không nặng nhọc nhưng tương đối cầu kỳ và cần nhiều thời gian. “Làm đồ lễ ông Công ông Táo là dễ nhất vì không cần phải dựng khung tre như làm ngựa, làm voi”, anh Hải nói.
Để có một bộ đồ ông Công ông Táo hoàn chỉnh, gia chủ phải nhập nguyên liệu từ Sơn Tây về và tự tay cắt ghép. Trước đây thợ phải vẽ màu thủ công, song hiện đều được được in bằng bìa carton cứng.
Nhờ áp dụng máy in, hiện chỉ còn rất ít công đoạn người thợ phải trực tiếp làm bằng tay như dán, khâu…
Sau khi cắt ghép các hình khối, anh Hải dùng keo dính để cố định sản phẩm.
Mỗi ngày anh Hải làm được trên 100 sản phẩm hàng mã.
Gần Tết, các sản phẩm hàng mã gồm cả đồ ông Công ông Táo bán chạy, anh Hải phải từ chối nhiều đơn đặt hàng do không còn đủ thời gian. “Kiếm được tiền triệu, nhưng cũng rất vất vả nên chỉ cố gắng vừa phải thôi”, anh nói.
Sản phẩm hàng mã phục vụ cúng ông Công ông Táo có nhiều mức giá, từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng. Loại to và đẹp có giá khoảng 120.000 đồng.
Theo Vnexpress