Thời tiết thất thường, dân trồng hoa”kẻ khóc người cười”

Hà Linh (T/h)|09/01/2019 23:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo ghi nhận, hiện các làng hoa Mê Linh, Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)… đều đang tấp nập chuẩn bị cho vụ Tết.

– Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Tết, nhưng thời tiết nóng lạnh, mưa gió bất thường trong những ngày tháng Chạp vẫn là nỗi niềm lớn nhất của bà con nông dân trồng hoa.

>>> Liên tục gặp mưa trái mùa, diêm dân Bến Tre lao đao

>>> Quảng Ninh: Hơn 60ha nuôi thả nghêu, ngao chết trắng bãi

Theo ghi nhận, hiện các làng hoa Mê Linh, Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)… đều đang tấp nập chuẩn bị cho vụ Tết.

Những người trồng đào, quất tại làng Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Nghi Tàm (Hà Nội), làng quất Văn Giang (Hưng Yên) nhận định đang được thời tiết “ủng hộ”. Lượng lớn lái buôn và người chơi cây đến đặt hàng đã giúp người trồng hoa có thể tính toán được lợi nhuận của vườn.

Ảnh minh họa

Ngược lại, người nông dân trồng hoa miền Trung gặp nhiều khó khăn bởi mưa lớn đã gây lụt kéo dài trong tháng 12 vừa qua. Sau đợt bão lụt, người nông dân đã có một công cuộc cứu và chăm cây tập trung cao độ.

Tại vựa hoa tỉnh Quảng Bình thuộc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, khoảng 100 hộ gia đình trồng hoa đã tăng cường khắc phục những thiệt hại do mưa bão gây ra. Thời tiết xấu đã khiến các loại hoa ly, lay ơn, thược dược… bị hư hỏng, thối thân, thối lá, nhà vườn rất khó khăn để điều chỉnh thời điểm ra hoa cho cây.

Trong khi đó mai, đào miền Trung lại gặp vấn đề nhiều nắng và nở sớm hơn. Để khắc phục, người dân đã sử dụng nhiều biện pháp như lắp đặt hệ thống che chắn, tưới tiêu, chong đèn và tích cực phun thuốc. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ khắc phục phần nào, ngoài việc đội thêm chi phí thì nỗi lo năng suất kém vẫn không suy giảm.

Trận lụt lịch sử vừa qua cũng khiến một lượng lớn quất của làng quất Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam) bị thối rễ. Theo ước lượng của một nhà vườn thì số cây thiệt hại chiếm 1/5, số cây còn lại đã được tích cực chăm sóc, tươi tốt trở lại. Đến giờ, người trồng quất đã có thể nở nụ cười khi thương lái đến vườn trả giá cao hơn năm ngoái. Dự kiến, toàn làng Cẩm Hà sẽ bán được khoảng 65 nghìn chậu quất, tương đương với số lượng xuất bán Tết 2018 và bà con sẽ có được một cái Tết sung túc.

Trong khi các vườn hoa tại TP HCM may mắn có được thời tiết thuận lợi, công tác kiểm soát sâu bệnh đảm bảo đã giúp cây hoa lên tốt cho tỷ lệ ra bông cao thì nhiều tỉnh phía Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão. Hàng nghìn chậu hoa kiểng phục vụ Tết ở làng hoa Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) bị vàng lá, phát sinh mầm bệnh. Làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) chủ yếu trồng cúc mâm xôi và cúc Hà Lan với số lượng cung cấp ra thị trường khoảng 11 triệu sản phẩm cũng đồng cảnh ngộ. Áp thấp nhiệt đới kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của nông dân, khiến cây hỏng, phát sinh bệnh và trổ hoa không đúng dịp.

Theo đánh giá của người trồng hoa kiểng tại đây, sự ảnh hưởng của thời tiết đã làm tăng chi phí về nhân công, phun thuốc, nhiên liệu bơm tát và con số chi phí sản xuất đội lên hơn 10% so với năm ngoái. Và nỗi lo ngại của những người trồng hoa ly, cát tường, đồng tiền dạ yến thảo – những loại cây mà thời điểm này bước vào thời kỳ sinh dưỡng quan trọng vẫn còn tiếp tục.

Làng hoa Sa Đéc – vựa hoa nổi tiếng nhất Đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp những khó khăn tương tự. Theo đánh giá sơ bộ của các địa phương trồng hoa tại đây, năng suất và sản lượng hoa tết có thể giảm khoảng 40% do mưa bão cây hoa bị ngập úng, thối rễ. Ngoài ra, thời tiết âm u, ẩm thấp khiến cây hoa không thể vươn lớn, và người trồng khó khăn hơn trong việc điều chỉnh thời điểm ra hoa.

Khi Tết tới cận kề, khi các làng hoa bắt đầu bước vào thời điểm thu hoạch, mới là lúc người trồng hoa trên mọi miền có thể thở phào.

Hà Linh (T/h)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời tiết thất thường, dân trồng hoa”kẻ khóc người cười”