(Moitruong.net.vn) – Ngày 10/8, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã diễn ra buổi họp Hội đồng Tư vấn khoa học và công nghệ xác định danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Bộ mở mới năm 2017 thuộc lĩnh vực tài nguyên nước. Thứ trưởng Bộ TN&MT – Chủ tịch Hội đồng Chu Phạm Ngọc Hiển đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ TN&MT – Chủ tịch Hội đồng Chu Phạm Ngọc Hiển đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Tham dự cuộc họp còn có đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ là thành viên của Hội đồng như: Vụ KH&CN, Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch, Cục Quản lý tài nguyên nước, Cục Viễn thám quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trường Đại học TN&MT Hà Nội, trường Đại học TN&MT TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Đồng – Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết: Qua cuộc họp này, các thành viên Hội đồng sẽ xem xét các đề tài, nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ mở mới năm 2017 thuộc lĩnh vực tài nguyên nước để đưa ra quy định cuối cùng phê duyệt nội dung dự toán. Vụ KH&CN được Chủ tịch Hội đồng giao phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện danh mục.
Ông Nguyễn Đắc Đồng – Vụ trưởng Vụ KH&CN phát biểu tại cuộc họp |
Theo ông Nguyễn Thạc Cường, danh sách trình ra Hội đồng hôm nay có 9 nhiệm vụ (đề tài) gồm: Nghiên cứu đề xuất hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành việc vận hành các hồ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa; Nghiên cứu thiết kế mạng giám sát tuân thủ các quy định của giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước và đề xuất cơ chế thực hiện, áp dụng thử nghiệm cho vùng Đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu, rà soát các quy định, quy phạm pháp luật về tài nguyên nước ở Việt Nam, đề xuất hướng điều chỉnh bổ sung để phù hợp Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy; Nghiên cứu đề xuất quy trình công nghệ tích trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước bị nhiễm mặn, thử nghiệm ở vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quy hoạch tài nguyên nước; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đa tỷ lệ và công cụ phục vụ giám sát nguồn nước mặt, áp dụng thử nghiệm tại ĐBSCL; Nghiên cứu hệ phương pháp xác định cơ chế xâm nhập mặn nước dưới đất trong các tầng chứa nước lỗ hổng; Nghiên cứu đề xuất bộ công cụ mô hình toán dự báo tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phù hợp với điều kiện lưu vực sông ở Việt Nam; Nghiên cứu nguồn gốc hình thành thấu kính nước ngọt và đề xuất giải pháp khai thác bền vững phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bến Tre.
Tại cuộc họp, phần lớn các thành viên Hội đồng đều cho rằng một số đề tài cần chỉnh sửa hoặc bổ sung tên của đề tài, mở rộng phạm vi của các vùng, khu vực được nhắc đến trong một số đề tài…
Theo ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, cần nêu rõ hơn một số nhiệm vụ, đề tài của Bộ. Cụ thể, về đề tài 1, chúng ta muốn tạo ra hệ thống thông tin chung như Bộ, và các cơ quan địa phương liên quan đến chỉ đạo điều hành lũ, các chủ hồ, các cơ quan phòng chống thiên tai… hiện nay tác nghiệp trong lũ rất khó khăn, do đó, nhiệm vụ Bộ giao cho Cục theo dõi, điều tra phải có số liệu tức thời, tạo ra khung chung để có thể thông tin trên tất cả các lưu vực sông. Về đề tài 2, từng thời kỳ, thời gian, lưu lượng, vận hành, diễn biến ra sao, chúng ta đang trong cơ chế một năm báo cáo một lần, ngoài báo cáo này phải nhập số liệu vào hệ thống, qua đó phát hiện và cảnh báo…
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Việc dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, đặc biệt là nước mặt chưa được nghiên cứu và chưa được đầu tư, do đó cần có đề tài nghiên cứu cấp Bộ có công cụ phù hợp nhất phục vụ tác nghiệp. Ngoài ra, tình trạng hạn hán trong thời gian vừa qua gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, đề nghị có nghiên cứu hoàn chỉnh hơn.
Ông Nguyễn Thạc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN báo cáo tóm tắt 9 đề tài nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ mở mới năm 2017 thuộc lĩnh vực tài nguyên nước |
Là tác giả đề xuất nhiệm vụ số 6, TS Vũ Xuân Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TPHCM cho rằng trong đề tài này, ngoài việc cung cấp cơ sở dữ liệu đa tỷ lệ, cần bổ sung thêm phần cung cấp công cụ công khai thông tin về nước cho các cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần thu hút sự tham gia của người dân trong công tác quản lý và giám sát nguồn tài nguyên nước mặt.
Ông Chu Hải Tùng – Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho rằng 2 đề tài 5 và 6 cần nói rõ hơn mục tiêu của từng đề tài, xác định rõ viễn thám có thể cung cấp thông tin gì cho lĩnh vực tài nguyên nước. Đặc biệt, trong đề tài 6, khái niệm đa tỷ lệ không rõ, vì thế, phải làm rõ khái niệm này ở mức quốc gia, vùng hay khu vực; việc xây dựng cụ thể như thế nào, dữ liệu này khác gì với cơ sở dữ liệu TN&MT đã có.
Ông Mai Thanh Dung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đề nghị các chủ nhiệm đề tài hoặc những đơn vị có đề xuất nên nghiên cứu, bổ sung cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, đồng thời, những đề tài này nên đặt ra hệ thống nghiên cứu giám sát, cảnh báo để cộng đồng có thể tự giám sát và lồng ghép những nội dung nghiên cứu và sản phẩm cụ thể trong đề tài nhằm phục vụ cho công tác quản lý.
Quang cảnh cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển chỉ đạo: Nhìn chung, các thành viên Hội đồng đều ủng hộ 9 nhiệm vụ được báo cáo, tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng cũng yêu cầu chỉnh sửa tên của một số đề tài cho phù hợp hơn với tính chất của đề tài khoa học, chủ yếu là nghiên cứu chuyển giao KH&CN, phục vụ công tác của chúng ta, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước.
Theo Thứ trưởng, mỗi đề tài cần trình bày sự cần thiết rõ hơn để phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, của ngành TN&MT trước mắt lâu dài cũng như thực tiễn tình hình hiện nay trong bối cảnh nhiễm mặn, hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL, cần có những đề tài ứng dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn đó.
Thứ trưởng chỉ đạo, trong chính các nhiệm vụ, đề tài, cần chỉnh sửa lại sản phẩm, nội dung để rõ hơn, tránh việc trùng lặp với các đề tài, dự án khác, đặc biệt chi tiết việc thực hiện các sản phẩm, đề nghị phải chỉnh sửa lại.
Sau khi ông Nguyễn Đắc Đồng công bố kết quả bỏ phiếu thực hiện hay không thực hiện các đềTheo Mai Đan/TN&MT tài, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển kết luận: 9 đề tài đều có số phiếu đồng ý thực hiện có bổ sung vượt quá 50%, vì thế, đề nghị các chủ đề tài thực hiện các nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của thành viên Hội đồng để hoàn chỉnh dưới sự chỉ đạo của Vụ KH&CN và nhanh chóng hoàn chỉnh các đề tài theo ý kiến của Vụ này. Sau đó, Vụ KH&CN tổng hợp cùng các thành viên Hội đồng khác điều chỉnh lại để Vụ tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ TN&MT và Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định.