Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: Hãy chung tay góp sức để bảo vệ môi trường

Hùng Thắng (Thực hiện)|26/01/2017 00:15
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Moitruong.net.vn) – Năm 2016 vừa qua được coi là năm “nóng” của ngành Tài nguyên và Môi trường, khi một số vụ xả thải ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường bị phát hiện, đặc biệt là sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân 04 tỉnh miền Trung. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, ngành Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc và tìm ra nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng tại 04 tỉnh miền Trung, buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, thực hiện bồi thường thiệt hại và khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường. Nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu 2017, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Ông Võ Tuấn NhânThứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm qua.  

MT&CS:Trong năm 2016, trên địa bàn cả nước xảy ra không ít các vụ vi phạm, xả các chất thải công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước nghiêm trọng. Trong đó, điển hình là sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra. Có ý kiến cho rằng chúng ta chưa thực sự thực hiện một cách triệt để các quy định về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp. Xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân, cũng như quan điểm của Bộ như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Năm 2016, các vụ việc ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, đã đặt ra nhiều vấn đề cần được các cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương quan tâm, giải quyết. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chung, cơ bản:

Thứ nhất, hiện nay chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường khá đồng bộ; Đã có công cụ, chế tài để doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm của mình trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sản xuất, kinh doanh còn chung chung, chưa cụ thể mà chủ yếu vẫn dựa trên các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, từ đó việc kiểm soát ô nhiễm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, giảm tối đa các chi phí cho bảo vệ môi trường (BVMT) đã lợi dụng kẽ hở để có các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian qua và là hệ lụy của việc phát triển kinh tế nóng, chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác BVMT trong thời gian dài mà chúng ta hiện đang phải gánh chịu.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện, các thủ tục đầu tư, công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường vẫn chưa được chú trọng. Trong đó bao gồm việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường liên quan đến công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, quá trình xây dựng và vận hành của dự án. Điều này dẫn đến cơ quan quản lý và cơ sở sản xuất, kinh doanh đều không chủ động trong việc phát hiện vụ việc ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

Thứ ba, công tác kiểm tra, thanh tra môi trường đã được nhiều cơ quan các cấp nỗ lực thực hiện và đã phát hiện ra rất nhiều vụ việc ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và cách thức thực hiện nên hoạt động này mới chủ yếu tập trung vào phát hiện sai phạm về môi trường mà chưa đi sâu đánh giá về rủi ro xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, dẫn đến không phát hiện kịp thời những dấu hiệu ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

Với cách nhìn nhận thấu đáo, toàn diện các vấn đề môi trường có liên quan đến các vụ việc gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tích cực rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách, các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, trong đó có các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường để buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc trong quá trình hoạt động.

Untitled - 2Ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chụp ảnh kỉ niệm cùng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân

MT&CS:Đã có nhiều ý kiến cho rằng, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Muốn làm được điều này thì cần phải có những hành động, việc làm cụ thể như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Sau sự cố về môi trường xảy ra trong thời gian qua, Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và địa phương đã có những kinh nghiệm, bài học đắt giá trong việc quản lý nhà nước về BVMT, ứng phó với sự cố môi trường, để có thể hành động kịp thời, chủ động và chính xác hơn khi sự cố xảy ra.

Quan điểm chung là phát triển bền vững kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững kinh tế – xã hội. Đã đến lúc chúng ta không thể hy sinh môi trường để đánh đổi kinh tế; Chúng ta phát triển kinh tế cũng vì mục đích cho cuộc sống của con người; BVMT là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

Đầu tư sản xuất phải theo hướng bền vững. Nghĩa là, phải xác lập một hệ thống các tiêu chí ưu tiên cho các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải kiên quyết nói “không” với những dự án đầu tư lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Trên thực tế, có những sự cố môi trường khi đã xảy ra thì không thể khắc phục được hoặc việc khắc phục sẽ tốn kém rất nhiều lần so với lợi nhuận mang lại.

Muốn không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, trước hết phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư. Vấn đề quan trọng cần làm cụ thể là: Thiết lập hệ thống dự báo, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đủ mạnh, có khả năng hoạt động một cách chuyên nghiệp. Lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường của từng dự án đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT. Ngoài ra, phải nâng cao hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố.

Để có thể đáp ứng yêu cầu BVMT, Việt Nam cần tăng cường tiềm lực cho công tác BVMT; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu kinh nghiệm quản lý của các nước tiên tiến trên thế giới và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

MT&CS: Nhiều dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn gây ô nhiễm môi trường, khi báo chí tiếp cận và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của tỉnh, thì các đơn vị này đều né tránh trách nhiệm và thường nói: “Dự án này do Bộ cấp, chúng tôi không đủ thẩm quyền kiểm tra”. Thứ trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Luật Bảo vệ môi trường và Luật chính quyền địa phương đã phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động trên địa bàn. Luật Thanh tra quy định công tác thanh tra, kiểm tra, kể cả thanh tra chuyên ngành về BVMT của tỉnh. Chúng ta phải làm theo luật chứ không phải Trung ương cấp phép là Trung ương phải quản lý hết. Trung ương cấp phép nhưng chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về BVMT.

Trung ương cấp phép nhưng trên địa bàn xã, xã là người đầu tiên phải ứng phó, khắc phục sự cố; Cũng tương tự như trong bão lụt, ứng phó với sự cố môi trường phải là công việc đầu tiên của chính quyền địa phương. Không phải Trung ương cấp phép thì Trung ương phải giải quyết tất cả mọi việc ở xã, ở phường và ở tỉnh.

Tuy nhiên, có thể hiện nay một số quy định về phối hợp giải quyết các vấn đề về sự cố môi trường giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định thực sự rõ ràng, cụ thể. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan theo hướng phân cấp rõ hơn trách nhiệm cho địa phương; Gắn trách nhiệm, tạo điều kiện về tổ chức bộ máy, thiết bị và nguồn lực để thực hiện. Việc kiểm soát môi trường tốt nhất chính là từ cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Untitled56

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Đoàn công tác Chính phủ động viên, thăm hỏi người dân nuôi tôm ở Lộc Hà, Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển. Phó Thủ tướng cũng cho rằng nhân dân cần cùng các cấp ngành, địa phương tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

MT&CS:Xin Thứ trưởng cho biết các giải pháp trọng tâm của Bộ TN&MT trong năm 2017 nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về môi trường?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường là tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, rà soát toàn diện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2014; Trên cơ sở đó, trong năm 2017, Bộ sẽ tiến hành xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường theo hướng: Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đến khi dự án đi vào hoạt động chính thức; Tích hợp các quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong các giai đoạn của dự án/cơ sở. Bên cạnh đó, sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, kết hợp thải lượng chất ô nhiễm và sức chịu tải của môi trường.

Hai là, xây dựng cơ chế, giải pháp để tiếp tục nâng cao vai trò và huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý sự cố môi trường nói riêng.

Ba là, xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không sử dụng công nghệ trong sản xuất lạc hậu, công nghệ phát sinh nhiều chất thải, tiêu tốn tài nguyên vào Việt Nam; Kiên quyết không thông qua hoặc kiến nghị loại bỏ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; Rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, rà soát toàn bộ các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt, các công trình biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để có điều chỉnh kịp thời; Tăng cường công tác kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Sáu là, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở/doanh nghiệp lập và thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về bảo vệ môi trường KKT, KCN và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Các cơ sở/doanh nghiệp thuộc đối tượng quan trắc tự động nước thải, khí thải khẩn trương thực hiện lắp đặt, vận hành các hệ thống quan trắc tự động và kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT địa phương. Đây là một trong các công cụ hiệu quả để phát hiện sớm và tăng cường khả năng ứng phó kịp thời đối với các sự cố, hoạt động gây ô nhiễm môi trường khi mới xảy ra.

Với những biện pháp nêu trên cùng với sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ TN&MT tin tưởng rằng công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước sẽ có chuyển biến tích cực trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu 2017, tôi xin kính chúc Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cùng bạn đọc lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và phát triển bền vững!

MT&CS: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn; Chúc ngành Tài nguyên và Môi trường gặt hái được nhiều thành công trong năm 2017!

Hùng Thắng (Thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: Hãy chung tay góp sức để bảo vệ môi trường