Ngành du lịch đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn
Phát biểu khai mạc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Hội thảo là sự tiếp nối của “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021” do Quốc hội tổ chức vừa qua. Hội thảo lần này sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
“Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn” – ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Năm giải pháp để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển
Để du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Giải pháp thứ hai là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay, giảm bớt sự tan rã hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay.
Thứ ba là chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực…), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững…
Giải pháp tiếp theo mà Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh đó là là đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn.
Giải pháp thứ năm là xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai chất lượng cao.
Cần sự đồng nhất giữa các địa phương
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, việc Chính phủ cho phép “mở cửa” theo Nghị quyết 128 là rất linh hoạt và đây là giải pháp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển.
Tuy nhiên, ông Kỳ cho rằng, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ giữa các địa phương, một số địa phương ban hành văn bản, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khiến các doanh nghiệp du lịch lúng túng.
Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị cần có sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện “mở cửa” theo tinh thần Nghị quyết 128; Tạo hệ thống khai báo y tế đồng nhất với nhau giữa các địa phương; Sớm phục hồi, mở cửa hàng không quốc tế; Cần có chính sách với tầm nhìn xa, rõ ràng trong phục hồi và phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Châu Á – Tổng Giám đốc Oxalis Adventure đề xuất một số giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19 như: Với tài nguyên về lịch sử văn hóa thì cần định vị lợi thế du lịch Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao…
Cùng với đó là xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới; Cần tạo ra các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ; Đầu tư ngân sách lớn hơn trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến tới khách du lịch tại các thị trường tiềm năng, chiến lược; Cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch.
Hương Giang